Hạ viện Anh thông qua dự luật liên quan đến lao động nhập cư

Xem trọng chất lượng lao động

- Thứ Tư, 20/05/2020, 07:11 - Chia sẻ
Hôm đầu tuần, Hạ viện Anh thông qua dự luật liên quan đến lao động nhập cư, trong đó nổi bật là chấm dứt tự do đi lại của lao động EU. Tuy nhiên, nước này kỳ vọng, văn bản trên sẽ giúp thu hút những người có thể đóng góp cho nền kinh tế xứ sở sương mù, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Hệ thống nhập cư theo điểm

Dự luật Điều phối di trú và An sinh xã hội nhằm ưu tiên lao động lành nghề và khiến lao động “không có trình độ” đến Vương quốc Anh gặp khó khăn hơn. Cho dù chưa vạch ra nhiều chi tiết, đây là một phần của động thái hướng tới hệ thống nhập cư theo điểm mới mà Chính phủ Anh dự kiến sẽ đưa ra từ năm 2021. Dự luật sẽ bổ sung các quy tắc nhập cư, trong đó quy định hệ thống nhập cư tương lai cho công dân EU và không phải EU, những người đến Anh sau khi giai đoạn chuyển đổi Brexit sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Cụ thể, văn bản pháp lý trên sẽ hủy bỏ quy chế nhập cư đặc biệt đối với công dân EU, Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sỹ sau ngày 31.12. Hiện có khoảng 180.000 công dân EU sống và làm việc ở Vương quốc Anh.


Nhiều lao động nhập cư đang làm việc cho Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS)
Nguồn : standard.co.uk 

Mong muốn kiểm soát các đường biên giới của Anh, tức là chấm dứt sự di chuyển tự do của lao động với 27 quốc gia thành viên EU, là nhân tố quan trọng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Mặc dù xứ sở sương mù đã rời EU từ 31.1, nhưng hai bên đã nhất trí giai đoạn chuyển tiếp đến hết tháng 12 tới. Trong thời gian này, hai bên tiếp tục được phép duy trì tự do đi lại để tìm kiếm thỏa thuận về mối quan hệ mới.

Thực tế, dự luật mới lần đầu tiên được trình Hạ viện vào tháng 12.2018, nhưng nó đã bị đình trệ vì chính quyền thiểu số của Thủ tướng lúc bấy giờ là bà Theresa Maye do không giành đủ ủng hộ để chiến thắng trong các cuộc biểu quyết quan trọng liên quan đến Brexit. Bà May từng cam kết trì hoãn trong vòng 2 năm sau Brexit mới áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cư đối với lao động tay nghề thấp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước về những công việc có tính thời vụ hoặc mức lương thấp khó tìm lao động. Tuy nhiên, Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson đã đưa dự luật trở lại Hạ viện giữa áp lực phải điều chỉnh các quy tắc nhập cư nhằm hỗ trợ cho những “lao động chủ chốt” trong đại dịch Covid-19. Theo dự luật, danh sách lao động quan trọng của Chính phủ bao gồm những người thuộc ngành sản xuất và chế biến thực phẩm, chẳng hạn như tài xế giao hàng, công nhân xử lý chất thải…

Cuộc thăm dò do YouGov thực hiện cho Hội đồng chung về phúc lợi của người nhập cư (JCWI) cho thấy, 54% người Anh ủng hộ việc nới lỏng hạn chế nhập cư cho lao động được xác định là cần thiết trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay. Được biết, rất nhiều người nhập cư đang làm việc tại Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) của Anh, và có nhiều đóng góp trong cuộc chiến của nước này trước đại dịch Covid-19. NHS là cơ quan cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe do Chính phủ tài trợ. Công dân Anh có thể sử dụng mà không phải thanh toán chi phí dịch vụ.

Hồi tháng 2, Chính phủ công bố các đề xuất cho hệ thống nhập cư mới, với số điểm được trao cho những yêu cầu cụ thể như khả năng nói tiếng Anh ở mức độ nhất định, có giấy mời làm việc từ chủ lao động được Nhà nước phê duyệt và có ngưỡng lương ít nhất là 25.600 bảng/năm. Được biết, thu nhập bình quân ở xứ sở sương mù khoảng 30.420 bảng. Ngoài ra, các điểm khác có thể được tính cho một số trình độ nhất định, nhất là khi xảy ra thiếu hụt trong một nghề nghiệp cụ thể.

Vấn đề thị thực cho phép bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế nước ngoài làm việc trong NHS đã được giới thiệu vào tháng 3. Hơn 13% nhân viên NHS không có quốc tịch Anh, và 5,5% đến từ các nước EU. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Priti Patel, Chính phủ đã ban hành quy định về cấp thị thực nhanh cho các đối tượng trên và những người làm trong các ngành nghề liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết gia hạn thị thực tự động một năm cho các nhân viên y tế tuyến đầu đang ở Anh, nếu thị thực của họ hết hạn trước tháng 10.2020.

Khen chê lẫn lộn

Trước khi dự luật được Hạ viện thông qua, Bộ trưởng Patel từng tuyên bố, văn bản pháp lý trên sẽ giúp Vương quốc Anh lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ có toàn quyền kiểm soát hệ thống nhập cư của mình, cũng như quyết định ai sẽ đến nước này. “Hệ thống mới dựa trên điểm vững chắc, công bằng và đơn giản hơn. Nó sẽ thu hút những lao động mà chúng ta cần để đưa nền kinh tế tiến lên phía trước, đồng thời đặt nền tảng cho mức lương cao, kỹ năng, trình độ cao và nền kinh tế năng suất cao”, bà nói.

Tuy nhiên, ông Nick Thomas-Symonds, một chính trị gia thuộc Công đảng lại nhận xét, việc Chính phủ quy định ngưỡng lương 25.650 bảng đã gửi thông điệp rằng, những ai kiếm ít hơn số tiền đó là không có trình độ và không được hoan nghênh ở Anh. Chẳng hạn, dưới hệ thống nhập cư mới, những lao động như nhân viên bán lẻ có thể bị coi là lao động tay nghề thấp. Nhiều người chỉ trích, điều này thật không công bằng và bất lợi cho quốc gia.

Giám đốc điều hành JCWI Satbir Singh cũng phát biểu: “Cuộc chiến chống Covid-19 đã cho chúng ta thấy tất cả sự sống còn và phúc lợi của chúng ta phụ thuộc vào lao động chủ chốt, nhiều người trong số họ đến từ quốc gia khác. Tài xế xe bus, xe tải, nhân viên chăm sóc, nhân viên cửa hàng, y tá và người dọn dẹp - họ không phải là những người không có kinh nghiệm, không có trình độ. Họ chính là trụ cột của đất nước chúng ta và xứng đáng được bảo đảm rằng nơi này cũng có thể là nhà của họ”.

Theo cơ quan nghiên cứu chính sách độc lập British Future, 2/3 công chúng (64%) được hỏi nhất trí rằng, khủng hoảng Covid-19 đã giúp họ nhận thức được giá trị và vai trò của những lao động làm công việc giản đơn hơn bao giờ hết, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu từ chăm sóc người già, giao thông đến phục vụ tại cửa hàng…

Giới doanh nghiệp Anh lo ngại, việc áp dụng hệ thống nhập cư tính theo thang điểm giống mô hình của Australia có thể đẩy Anh vào tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là với những công việc có tính thời vụ, hoặc thậm chí với ngành công nghiệp ô tô. Trong khi đó, các nhà phân tích về thị trường lao động Anh cho biết, lao động EU có thu nhập dưới 30.000 bảng không hề lấy mất việc làm của người lao động bản địa, mà thực tế họ đang bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động thực sự tại xứ sở sương mù trong những lĩnh vực khó tìm người vì mức lương thấp.

Thái Anh