Xem trọng bữa ăn học đường

- Thứ Bảy, 29/09/2018, 09:01 - Chia sẻ
Nhu cầu học 2 buổi, bán trú ở trường ngày càng tăng ở các bậc học, bởi vậy để bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn cho học sinh, cần lắm các bếp ăn trường học được tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP và được kiểm soát nghiêm ngặt từ nhiều phía: Nhà trường, cha mẹ học sinh và cơ quan quản lý liên quan.

Khó kiểm soát chất lượng dinh dưỡng

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, độ tuổi học tiểu học là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển thể trạng, sức khỏe của con người. Ở giai đoạn này, can thiệp dinh dưỡng đúng khoa học sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao, trí tuệ và giúp ngăn ngừa nhiều căn bệnh khi trưởng thành.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Hà Nội có hơn 90% trường tiểu học có tổ chức bán trú cho học sinh và đang gia tăng ở các trường THCS. Đáng chú ý, không phải tất cả các trường có bán trú đều có điều kiện tổ chức bếp ăn trong nhà trường. Việc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn cho học sinh cũng khiến các trường khó kiểm soát được dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm. Điều phụ huynh lo ngại nhất là các trẻ vốn đã đầy đủ dinh dưỡng khi đến trường được ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng, dẫn đến béo phì, hoặc đối với trẻ gầy do hấp thụ kém lại được ăn những thực phẩm thiếu protein, chất bột, chất béo... dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.
Ghi nhận từ một số cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học tại Hà Nội cho thấy, theo trực quan các nhà trường đã có cố gắng bảo đảm vệ sinh, nguồn hàng thực phẩm tươi sống, chế biến bảo đảm sôi, chín, được bày biện có thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo trường cho biết, dù trường luôn cố gắng nhưng do điều kiện kiểm định, năng lực đội ngũ cô nuôi của trường và do điều kiện của cơ quan liên quan nên chỉ mới kiểm soát được các yếu tố như: mùi vị, màu sắc, mặn nhạt ước lượng dinh dưỡng các bữa ăn theo định tính...

Được biết, riêng ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh trước đây đã có dự án xây dựng bộ thực đơn chuẩn cho bữa ăn bán trú, chuẩn hóa mô hình bếp ăn bán trú. Nhưng thực tế là chưa có chương trình đào tạo bài bản về chế độ dinh dưỡng học sinh tiểu học cho các cô nuôi như ở bậc học mầm non, đi kèm là các phương tiện kỹ thuật giúp đánh giá chính xác hơn, lượng hóa các giá trị dinh dưỡng của bữa ăn cho các em học sinh. Đây là việc rất cần thiết để các trường có căn cứ thuyết phục phụ huynh cùng phối hợp chăm sóc sức khỏe các con.


Cổ động Tháng ATTP tại TP Thanh Hóa

Cần chuẩn hóa chất lượng bữa ăn...

Theo các chuyên gia, hiện tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh việc kiểm soát vệ sinh ATTP bếp ăn học đường khó khăn nhưng chưa thấy cơ quan nào có khảo sát đánh giá và công bố để dư luận xã hội yên tâm, cũng như là động lực để các nhà trường phấn đấu, thi đua...

Làm thế nào để không xảy ra mất vệ sinh ATTP, câu hỏi này luôn ám ảnh nơm nớp với hầu hết hiệu trưởng. Mỗi khi có sự cố về mất vệ sinh ATTP, sẽ là rút kinh nghiệm kiểm điểm, cho dù sau đó công tác tổ chức chất lượng bữa ăn bán trú vẫn luôn là thách thức lớn đối với các trường. Sau các vụ việc mất vệ sinh ATTP xảy ra, cơ quan chức năng lại mở đợt cao điểm tăng cường thanh kiểm tra. Tuy nhiên việc siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra rồi cũng chùng xuống, nhất là khi công việc kiểm tra được lặp đi lặp lại với một kết luận đúng quy trình, bảo đảm chất lượng.

Chăm sóc, nuôi dạy trẻ phát triển lành mạnh thể chất, trí tuệ và tinh thần là nhiệm vụ của toàn xã hội; trong đó bữa ăn bán trú có vai trò rất quan trọng. Do đó, nhà trường, các cơ quan chức năng cần phải thấy được tầm quan trọng và dành sự quan tâm đích đáng cho công tác này, bảo đảm cho thế hệ trẻ phát triển cân đối cả thể lực và trí lực.

Quế Chi