ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VPQH LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2015 – 2020

Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức

- Thứ Năm, 30/07/2015, 08:25 - Chia sẻ
Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ.

Chi bộ Vụ Các vấn đề xã hội đã duy trì khá đều đặn sinh hoạt chuyên đề đã được xây dựng theo kế hoạch, được chuẩn bị thường xuyên, có định hướng. Đó là chuyên đề về: Đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động; Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế - Những vấn đề cần quan tâm; Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; Thực trạng bình đẳng giới và chính sách, pháp luật hiện nay; Một số vấn đề cần quan tâm về công tác đảng viên của Chi bộ trong giai đoạn hiện nay; Bài học về chính sách y tế của Thái Lan và kiến nghị với Việt Nam… Đặc biệt, trong năm 2014, Chi bộ đã hoàn thành tốt việc thực hiện sinh hoạt theo chỉ đạo điểm về chuyên đề dân vận. Tại buổi sinh hoạt này, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã có bài trình bày với chuyên đề: Một số nội dung và phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên là ĐBQH chuyên trách và cán bộ, đảng viên Vụ Các vấn đề xã hội. Đồng thời, ngay sau mỗi Hội nghị Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban đều có báo cáo nhanh về nội dung và các nghị quyết của Hội nghị, rất kịp thời và có tác dụng cao.

Do đặc thù là Chi bộ sinh hoạt gồm hai đối tượng ĐBQH chuyên trách và công chức của Vụ giúp việc chuyên môn nên có nhiệm vụ chuyên môn, chính trị khác nhau, thời gian đi công tác ngoài cơ quan tương đối nhiều nên cũng ảnh hưởng đến việc duy trì sinh hoạt Chi bộ. Do là Chi bộ thuộc khối cơ quan dân cử ở Trung ương nên quá trình hoạt động không thể áp dụng cứng nhắc các quy trình hành chính, vì vậy có một số hoạt động không thể thực hiện mang tính chuẩn hóa, đồng thời phải thường xuyên điều hòa giữa Chi bộ với chính quyền. Vẫn còn có một vài biểu hiện hình thức, chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ trong điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như sinh hoạt đảng. Vẫn còn tình trạng đảng viên ngại phát biểu ý kiến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của cán bộ đảng viên trong tổ chức Đảng.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng như Vụ Các vấn đề xã hội để xây dựng nội dung sinh hoạt cho phù hợp với tình hình đặc điểm của Chi bộ. Trước khi sinh hoạt, trong cấp ủy cần có sự phân công, chuẩn bị; trong sinh hoạt, đảng viên có trách nhiệm tham gia phát biểu ý kiến xây dựng nghị quyết, phát huy cao trí tuệ của tập thể; có sổ ghi biên bản và nghị quyết sinh hoạt chi bộ... Nội dung sinh hoạt cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị cũng như thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong nước, quốc tế; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng cấp trên; tổng hợp đánh giá việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác của chi bộ tháng trước theo nghị quyết chi bộ đã đề ra và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho tháng tiếp theo.

Thời gian sinh hoạt cần được bố trí hợp lý và đều đặn hằng tháng để các đảng viên tham gia đầy đủ; tạo không khí dân chủ, cởi mở, chân thành để các đảng viên bộc lộ tâm tư nguyện vọng; cấp ủy cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho đảng viên thấy được việc tham gia sinh hoạt và phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi, là dịp thể hiện các chính kiến, được tham gia góp ý vào xây dựng Nghị quyết, là tham gia xây dựng Đảng.

Khi sinh hoạt, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong phê bình, tự phê bình, trên tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên. Đảng viên làm công tác lãnh đạo quản lý, cấp ủy viên phải gương mẫu thực hiện tốt việc sinh hoạt đảng, tích cực đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm.

Đối với các buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi ủy Vụ Các vấn đề xã hội nghiên cứu chọn chuyên đề phù hợp với chuyên môn của đơn vị, tạo sự phong phú, lôi cuốn, tránh đơn điệu trong sinh hoạt, thu hút sự tham gia của các đảng viên trẻ. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2015 - 2017, Chi bộ đã đề ra chỉ tiêu: Mỗi năm Chi bộ tổ chức sinh hoạt ít nhất là 4 chuyên đề thuộc lĩnh vực của Ủy ban (trong đó có 1 chuyên đề do đảng viên trẻ báo cáo).

Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ để đáp ứng tốt yêu cầu công tác trong tình hình mới, bảo đảm việc sinh hoạt của Chi bộ thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của công tác Đảng; tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo trong sự nghiệp đổi mới.

Đỗ Mạnh Hùng
Bí thư Chi bộ Vụ Các vấn đề xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội