Giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội

Xây dựng quy trình và khung giám sát chung

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:44 - Chia sẻ
Dù đã được Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp rất quan tâm, song thực tiễn cho thấy, hoạt động giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội vẫn là khâu yếu, còn nhiều hạn chế; nhiều hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Tại hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 12.2, các đại biểu đều nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết đổi mới hoạt động này để phát huy tốt nhất hiệu quả các chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Những năm qua, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp đã rất quan tâm đến giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội. Hoạt động giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, giảm nghèo, cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội… đã được Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành, góp phần đưa chính sách, pháp luật về các lĩnh vực này ngày càng đi vào cuộc sống.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Thanh Chi

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử trong thực thi”, hiện nay, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội vẫn được xem là khâu yếu, còn nhiều hạn chế, hình thức, chậm đổi mới và hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Việc tổ chức thực hiện giám sát về an sinh xã hội chưa được tiến hành thường xuyên hàng năm và chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương. Năm 2016 có 45/63 và năm 2017 có 43/63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, thành phố không thực hiện giám sát bất kỳ chính sách, pháp luật nào về an sinh xã hội. Đáng chú ý, có 32/63 (chiếm 50,8%) số đoàn ĐBQH trong hai năm kể trên không tiến hành giám sát chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình thức giám sát cũng còn nhiều bất cập. Một số hình thức giám sát về an sinh xã hội theo luật định chưa được thực hiện như bỏ phiếu tín nhiệm trong thực thi chính sách, pháp luật chưa được triển khai trên thực tế. Nhiều vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội được phát hiện qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử nhưng không được xử lý hoặc xử lý không kịp thời. Nhiều vấn đề bất cập về an sinh xã hội được chất vấn và giải trình trong nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng chưa có chuyển biến và cũng không có chế tài xử lý phù hợp. Mặt khác, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND nhiều khi chưa tập trung vào những vấn đề thuộc tầm chính sách, mà nghiêng về xem xét, điều tra những vụ việc cụ thể, thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn. Điều này không tránh khỏi sự chồng chéo giữa hoạt động giám sát của cơ quan dân cử với hoạt động chuyên môn của các cơ quan thanh tra, tư pháp.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo các đại biểu là bởi quy định về phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát đối với lĩnh vực an sinh xã hội còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy định đối tượng, nội dung giám sát của từng chủ thể trong Quốc hội, HĐND về thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội quá rộng; một số quy định phạm vi hoạt động giám sát chưa phù hợp; chức năng, thẩm quyền của các chủ thể được trao quyền giám sát chưa được xác định rõ. Quy trình giám sát chưa thật cụ thể; vai trò điều hòa, phối hợp chưa rõ ràng; điều kiện hỗ trợ giám sát, năng lực và động lực giám sát của chủ thể được trao quyền còn hạn chế…

Phân định rõ chủ thể, đối tượng, phạm vi… giám sát

Làm thế nào để đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội? Từ thực tiễn giám sát tại địa phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cho rằng, cần xây dựng quy trình và khung giám sát chung, trong đó phân định rõ chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung, hình thức, công cụ giám sát.

Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn Mai Sỹ Diến cũng lưu ý, khung giám sát cần có đặc thù riêng. Tùy theo từng địa bàn, từng nội dung chính sách, pháp luật cần giám sát và từng đối tượng chịu sự giám sát để lựa chọn hình thức giám sát tương ứng phù hợp. Đơn cử như, với chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp thì cần tập trung giám sát ở hai nhóm chủ yếu là: Nhóm thực hiện nghĩa vụ thu nộp các loại quỹ và nhóm thụ hưởng, sử dụng các loại quỹ. Nhóm thứ nhất cần giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật của chủ sử dụng lao động về thu nộp quỹ, nhằm hạn chế việc trốn, tránh và chậm nộp các loại quỹ. Nhóm thứ hai cần giám sát các tổ chức, cá nhân sử dụng các loại quỹ để chấn chỉnh việc lợi dụng, lạm dụng, thậm chí trục lợi từ các loại quỹ. Đối với lĩnh vực bảo trợ xã hội và cứu trợ xã hội, cần tập trung giám sát ở các khâu xác định đối tượng cần bảo trợ, cứu trợ và thực hiện cấp phát các nguồn thực hiện chính sách bảo trợ, cứu trợ.

Bên cạnh đó, đối với vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, cần chú trọng giám sát các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở; giám sát quy trình, thủ tục và cách thức tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Còn đối với vùng có trình độ dân trí cao, người thụ hưởng chính sách an sinh xã hội am hiểu pháp luật, nên lựa chọn hình thức giám sát thông qua tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hoặc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo xung quanh lĩnh vực thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Từ đó lựa chọn những vấn đề cử tri quan tâm để thành lập các đoàn giám sát chuyên đề, nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh những sai phạm, tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Đối với những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trên diện rộng, cơ sở có nhiều bức xúc thì cần tổ chức giám sát thông qua hình thức chất vấn người đứng đầu cơ quan phụ trách lĩnh vực, nhằm phân định rõ trách nhiệm, chấn chỉnh sai sót, vi phạm; đồng thời thông qua chất vấn tuyên tuyền những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đến toàn thể cử tri, nhân dân, tạo sự đồng thuận và thực hiện chính sách hiệu quả.

Nhìn từ góc độ khác, GS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, nếu giám sát của cơ quan dân cử chỉ dựa vào số liệu báo cáo của đối tượng được giám sát thì những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra hiện nay sẽ tiếp tục tồn tại, bởi thực tế, nhiều số liệu trong báo cáo của các bộ, ngành về chính sách an sinh xã hội không khớp nhau và chưa phản ánh đúng thực tế. Có những số liệu “quá đẹp” dẫn tới “chẳng còn gì để nói” như 98% dân số được tiếp cận nước sạch…

Cũng theo GS. Nguyễn Thị Lan Hương, báo cáo của các đối tượng được giám sát, cụ thể ở đây là các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội, chỉ là một kênh cung cấp thông tin cho chủ thể giám sát. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử cần tập trung vào trọng điểm và những vấn đề đang bị “khuất” trong thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Ví dụ, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia các loại bảo hiểm như xã hội, y tế, tự nguyện, thất nghiệp đạt gần 88% dân số toàn quốc. Vậy số 12% còn lại vì sao chưa tham gia bảo hiểm xã hội? Hoặc, Hiến pháp đã quy định cụ thể về công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, tại sao vẫn còn 95% lao động phi chính thức không tham gia hệ thống an sinh xã hội? “Những vấn đề bị khuất sau những số liệu này mới là mục tiêu cần được giám sát”, GS. Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Nhật An