Xây dựng nền tảng tri thức

- Thứ Năm, 18/04/2019, 08:41 - Chia sẻ
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đặc biệt tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” sáng 17.4 là việc đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách. Đó cũng là mục tiêu vận động toàn xã hội tham gia phong trào tặng sách, xây dựng tủ sách và nuôi dưỡng thói quen đọc sách.

Thay đổi tích cực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến kể, hơn 5 năm qua một số doanh nhân người Nam Định đã bền bỉ vận động xây dựng tủ sách lớp học. Nhóm doanh nhân tự mua những đầu sách mà họ coi là có ích cho học sinh và tặng các trường học của huyện quê hương. “Có một điều đáng trân quý, những doanh nhân ấy không phải chuyên gia về văn hóa hay giáo dục, song họ chung quan điểm về tầm quan trọng của sách đối với trẻ; trẻ đang thiếu sách đọc, cần được tặng sách và có môi trường thuận lợi cho việc đọc sách. Từ xuất phát đó, họ đã hành động để giải quyết vấn đề mà họ phát hiện. Nỗ lực của các doanh nhân này khá thành công và mô hình được lan rộng ra các tỉnh khác”.


Phòng trào xây dựng tủ sách lớp học đang lan rộng, góp phần nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ nhỏ 
Nguồn: ITN

Ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ, các doanh nhân Nam Định cũng đã tiếp thu kinh nghiệm được đúc rút qua gần 20 năm kiên trì thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” của ông Nguyễn Quang Thạch. Sách được chia thành tủ nhỏ, đưa về tận lớp học và do học sinh tự quản lý. Sau một hoặc hai tháng, các lớp lại đổi tủ sách cho nhau để học sinh có sách mới đọc. Chương trình phát triển rất nhanh ở Hải Hậu rồi lan ra toàn tỉnh. “UBND tỉnh Nam Định kêu gọi người Nam Định trên toàn quốc quyên góp hỗ trợ trực tuyến. Một website với danh sách trường học, danh mục sách cho từng cấp học và cơ cấu sách được mở ra. Cho đến nay, tỉnh đã quyên góp được hơn 9.000 tủ sách lớp học với 199.069 đầu sách, 725.186 bản sách, trị giá hơn 14,166 tỷ đồng”.

Việc tặng sách, xây dựng tủ sách mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo, cũng là mục tiêu chính, quan trọng và lâu dài, là nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh và toàn cộng đồng. Công việc này thời gian qua được thực hiện với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước, bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thạch, đó vẫn mới chỉ là “vài hàng gạch cho một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng”.

“Ngôi nhà đó là tất cả trẻ em được đọc sách tại lớp học và ở nhà; tất cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên có cơ hội đọc 50 - 100 đầu sách/em/năm học; là tất cả thầy cô giáo, giảng viên, cha mẹ học sinh thấu hiểu tầm quan trọng của sách đối với con trẻ và luôn tìm mọi cách khuyến khích các em đọc sách, học qua làm dựa theo sách. Ngôi nhà đó cũng là sự thấu hiểu của các cơ quan hoạch định chính sách về khuyến đọc để nâng cao dân trí vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo; là sự tự trọng của chính quyền trong thúc đẩy phong trào đọc để huy động sự tự lực của người dân địa phương cùng tạo ra hệ sinh thái khuyến đọc tại mọi ngôi nhà, trường học nông thôn và đô thị”, ông Nguyễn Quang Thạch phân tích.

Chìa khóa của tri thức

 “Ước tính học sinh Việt Nam có hơn 1.500 tỷ đồng tiền mừng tuổi mỗi năm, do đó chỉ cần đưa tiêu chí Tủ sách lớp em, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học vào Tiêu chuẩn thư viện trường học, mỗi năm sẽ có ít nhất 30 triệu bản sách đến các lớp học nông thôn và đô thị, hơn 18 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông có sách nghe và đọc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có tổ chức, đơn vị chăm lo việc khuyến khích đọc sách để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên”.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn”

Phong trào đọc sách và đề cao văn hóa đọc mặc dù đã được quan tâm, hưởng ứng, song theo ông Nguyễn Quang Thạch, “qua các khảo sát trên diện rộng trong 20 năm qua cho thấy, ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó”.

Sự thiếu sách trầm trọng, sự vận hành yếu kém của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ít đọc của học sinh, sinh viên. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt cho rằng, trong thời đại truyền thông số hiện nay, để phát triển mạnh mẽ cũng như duy trì văn hóa đọc trong học đường, lan tỏa tới cộng đồng và xã hội, phải kết nối và phát triển song song việc xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử trong hệ thống các nhà xuất bản.

Ông Trần Chí Đạt khẳng định: “Thúc đẩy phong trào phong trào đọc sách và đề cao văn hóa đọc là quá trình khơi mở chìa khóa của tri thức. Quá trình này cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành. Với ngành xuất bản, mỗi nhà xuất bản cần có chiến lược nghiên cứu thị trường, nhu cầu đọc của đông đảo học sinh, sinh viên, công chúng, đề ra kế hoạch tìm kiếm đề tài, xuất bản những cuốn sách đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của độc giả, bảo đảm chất lượng nội dung và hình thức. Có như thế mới thu hút sự chú ý và quan tâm của độc giả, nâng cao trình độ, thói quen đọc sách của mỗi người một cách tích cực và hiệu quả”.

Hồng Hà