Xây dựng một xã hội cả trên mạng và ngoài đời thực hài hòa, an toàn, phát triển hơn

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 17:14 - Chia sẻ
Phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN kết thúc phiên chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận; có 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi. Cùng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng: Công an, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Là nhóm vấn đề cuối cùng trong 4 lĩnh vực được chất vấn tại Kỳ họp này, phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, có tính xây dựng, thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ 2 lĩnh vực thông tin truyền thông được đưa ra chất vấn trong nhiệm kỳ này, nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì đây là lần đầu được đăng đàn. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ được hơn năm, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắng nhận trách nhiệm và có các giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông
Ảnh: Quang Khánh

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông là nội dung có tính chất đặc thù, là những vấn đề mang tính thời sự, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công tác quản lý, điều hành, đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, cuộc sống của từng người dân và đang có nhiều bất cập trong thực tiễn. Đối với nhóm vấn đề hôm nay, có những nội dung đã được nêu trong Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, tuy nhiên, trong triển khai thực hiện còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nên nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn, tranh luận. 

Đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp, khắc phục hạn chế,tồn tại của lĩnh vực thông tin truyền thông,để làm tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới. Cần tập trung vào một số vấn đề sau:

- Tiếp tục triển khai các quy định của Luật Báo chí, Kế hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 bảo đảm phát huy yêu cầu, mục đích đề ra. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tạp chí điện tử đúng quy định của pháp luật, phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí, không để xảy ra việc “báo hóa tạp chí”; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa cơ quan báo chí, sớm tổng kết để quy định cụ thể hướng dẫn về liên kết, xã hội hóa các chương trình trên phương tiện báo chí trong năm 2020.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của tổng biên tập trong việc quản lý phóng viên và nội dung thông tin, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí, nhất là bảo đảm tính chính xác của thông tin; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức người làm báo; tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí, xử lý nghiêm các phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thiết lập và triển khai đường dây nóng phản ánh thông tin về báo chí; chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận; có giải pháp để hỗ trợ hình thành nền tảng truyền thông xã hội trong nước, phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.

- Tiếp tục có các biện pháp hữu hiệu để làm tốt công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội; phát huy mặt tốt và hạn chế mặt xấu của loại hình phương tiện thông tin này; rà soát, hoàn thiện quy định về an ninh mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; có các giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật, các Game đánh bạc trên mạng; phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng; xây dựng và vận hành công cụ giám sát và xử lý việc đưa tin sai sự thật; sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, có các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao trách nhiệm của các nhà mạng để xử lý sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác; khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; triển khai Trung tâm tiếp nhận thông xin xấu, sai trên mạng; có các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời trang bị kỹ năng khi sử dụng thông tin trên mạng, nhất là hoạt động giáo dục trong nhà trong gia đình, nhà trường và có các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Tăng cường hỗ trợ để hình thành các mạng xã hội Việt Nam đủ mạnh, hướng dẫn, hỗ trợ để người Việt dễ tiếp cận với mạng xã hội trong nước; có chính sách hỗ trợ để phát triển các doanh nghiệp số, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này.

- Chấn chỉnh việc quảng cáo trên trang thông tin mạng, trên báo chí đúng pháp luật, không để các doanh nghiệp quảng cáo lợi dụng mạng thông tin để quảng cáo sai sự thật.

- Xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, Chiến lược quốc gia về quản trị dữ liệu; xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu Quốc gia dùng chung, kết nối giữa địa phương và bộ ngành để làm tốt công tác chia sẻ dữ liệu; kết nối giữa các địa phương và bộ ngành;trong 2019, ban hành nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung, bảo đảm tính liên thông đối với các cơ sở dữ liệu thông tin Quốc gia, hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, giảm phiền hà cho Nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để triển khai mô hình thành phố thông minh, ban hành hướng dẫn về thí điểm Thành phố thông minh với mục tiêu lấy con người làm trọng tâm, công nghệ là phương tiện, phát huy lợi ích của công nghệ; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, thiết bị an ninh mạng của Việt Nam; năm 2020 hình thành bộ Mã bưu chính điện tử để hỗ trợ cho thương mại điện tử.

Qua phiên chất vấn hôm nay, các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành thông tin truyền thông, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng. Phiên chất vấn cũng là cơ hội để Bộ trưởng lắng nghe, tiếp thu những góp ý, từ đó khắc phục tồn tại, hạn chế, xây dựng một xã hội cả trên mạng và ngoài đời thực hài hòa, an toàn, phát triển hơn.

Anh Phương lược ghi