Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không

- Thứ Sáu, 17/05/2019, 10:16 - Chia sẻ
Chiều 16.5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm: “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không”.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, vận tải hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong những quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Theo thống kê quốc tế, hàng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 - 15%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP từ 6,8 - 7%/năm.


Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới. Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang chuyển dần nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đó là những sản phẩm có nhu cầu vận chuyển hàng không rất lớn.

Các chuyên gia hàng không nhận định, tính cạnh tranh của thị trường càng cao thì chất lượng dịch vụ sẽ càng tốt hơn, vì dần loại bỏ được sự áp đặt từ phía nhà vận chuyển. Thời gian vừa qua, nhiều hãng hàng không đã tăng tiện ích cho hành khách, thậm chí, thị trường đang trong giai đoạn phát triển nóng. Nhưng sự phát triển của ngành hàng không ở Việt Nam chưa tương ứng. Do đó, TS Vũ Tiến Lộc nhận định, chúng ta còn nhiều không gian cho việc huy động sức dân. Nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh nội địa là vấn đề được đặt ra khi mà các hãng hàng không quốc tế cũng sẽ cạnh tranh gay gắt. “Dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành không phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế của đất nước và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trước kỳ vọng về một ngành hàng không minh bạch, năng động, hiệu quả, Chủ tịch VCCI mong nhận được thêm nhiều kiến nghị để "xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không" với các vấn đề về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực cho ngành hàng không. Công thức xã hội hoá, đối tác công tư sẽ là chìa khoá “cất cánh” hàng không nước nhà.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Về vấn đề hạ tầng hàng không hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, chia sẻ: "Chúng ta đang bị nghẽn về hạ tầng hàng không, cụ thể là các cảng hàng không sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không". Ông Thanh khẳng định, hàng không đang tắc nghẽn cục bộ mà điển hình là Cảng hàng không Tân Sân Nhất, dẫn đến tắc nghẽn ở các cảng hàng không khác (vì đặc thù của hàng không là phải có điểm đi - điểm đến). Chủ trương "giải cứu" đã có 3 năm mà vẫn chưa quyết cho ai làm chủ đầu tư, chỉ thông qua chủ trương đầu tư - ai trình và trình ai cũng rất khó giải đáp. Như vậy là tắc nghẽn ngay ở quy trình, thủ tục hành chính.

Tin và ảnh Minh Hương