Dự án Luật Trồng trọt

Xây dựng điểm tựa cho nông dân

- Thứ Bảy, 09/06/2018, 08:24 - Chia sẻ
Chính phủ ban đầu vốn đề nghị xây dựng Luật Giống cây trồng, trên cơ sở nâng lên từ pháp lệnh hiện hành. Nhưng với vai trò quan trọng của trồng trọt trong lĩnh vực nông nghiệp, QH, UBTVQH đã đề nghị xây dựng dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn. Và, vì yêu cầu cao hơn này, nhiều ĐBQH đã đăng ký phát biểu, hết thời gian còn 16 đại biểu chưa được phát biểu ý kiến.

Luật Trồng trọt hay Luật Giống cây trồng?

Đây là cảm nhận của ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số ĐBQH khác khi đọc dự thảo Luật này. ĐBQH có cảm nhận này vì quy định về giống trong dự thảo Luật rất đồ sộ, rất chi tiết so với các phần khác. Ngay như tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, ĐBQH Dương Minh Tuấn chỉ rõ, trong 43 khái niệm được đưa ra giải thích thì có đến 26 khái niệm liên quan đến giống. Hay như tại Điều 82 về điều khoản thi hành cũng chỉ đề cập đến Pháp lệnh Giống cây trồng, trong khi dự án Luật Trồng trọt điều chỉnh cả phân bón, canh tác, thu hoạch, bảo quản chế biến, thương mại, quản lý nông sản…

Nhìn bao quát cả dự thảo Luật Trồng trọt, ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nhận thấy, trong tổng số 82 điều của dự thảo Luật có đến 54 điều liên quan đến giống và phân bón, chỉ có ít điều luật điều chỉnh các yếu tố quan trọng khác liên quan đến trồng trọt. Không chỉ mất cân đối về bố cục, ĐBQH cũng nhận thấy dự thảo Luật chưa có quy định điều chỉnh phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Một ví dụ được ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) chỉ rõ: Tại Điều 8, dự thảo Luật về các hành vi bị cấm cũng chỉ nhằm vào đối tượng sản xuất, kinh doanh, còn các đối tượng khác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp chưa được điều chỉnh, giúp định hướng hành vi của những đối tượng này, để hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Trồng trọt được xây dựng để quản lý sản phẩm trồng trọt thống nhất, theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Với mục tiêu hướng đến như vậy, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận thấy, về lý, dự án Luật sẽ phải điều chỉnh một chuỗi các yếu tố liên quan, từ đất trồng trọt, đến nguồn gene cây trồng, giống cây trồng, tưới tiêu, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, môi trường, công nghệ thu hoạch, chế biến sau thu hoạch, chưa để việc tổ chức tiêu thụ nông sản. “Thế mới là đầy đủ” - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhận định.

Tất nhiên, các yếu tố nêu trên đều đang được điều chỉnh bởi các luật hiện hành, trong đó đất trồng trọt được điều chỉnh bởi Luật Đất đai, thuốc bảo vệ thực vật được quy định tại Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nước điều chỉnh tại Luật Thủy lợi. Song, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần quy định các yếu tố này với tư cách là các loại vật tư đầu vào được sử dụng trong trồng trọt. “Tư duy của nhà làm luật là chỉ tập trung điều chỉnh giống cây trồng và phân bón là coi như xong, khâu khác là phụ. Có thể, cách tư duy này là nguyên nhân dẫn đến việc phải giải cứu nông sản trong thời gian qua?”. Đưa ra nhận định này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, bố cục của dự thảo luật cần được chỉnh sửa, bổ sung sao cho cân đối, đúng với tính chất của trồng trọt được hiểu là một chuỗi canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh.


Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Q.Khánh

Hoàn thiện hơn quy định về chính sách của Nhà nước

 Mục tiêu ban hành Luật Trồng trọt để quản lý sản phẩm trồng trọt thống nhất, theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế… trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Giống cây trồng hiện hành, luật hóa các quy định về quản lý phân bón, đồng thời bổ sung quy định một số nội dung về canh tác, thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt hiện đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau… là chưa thực sự hợp lý, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học về các vấn đề trên. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ thêm.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt

Bên cạnh việc thay đổi về bố cục của dự thảo Luật, thì quy định về chính sách của Nhà nước với trồng trọt (Điều 6) cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung, hoàn thiện. Bởi lẽ, cùng với chiến lược phát triển ngành trồng trọt thì chính sách phát triển ngành này là linh hồn của dự án luật. Và, có chính sách phát triển đúng mới giúp xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Không khó để nhận thấy đòi hỏi của thực tiễn đối với chính sách phát triển ngành trồng trọt. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy lấy ví dụ từ ngay thực tiễn việc áp dụng chính sách bảo đảm an ninh lương thực thời gian qua đối với cây lúa, vì người trồng lúa không được bảo đảm lợi ích khi trồng theo quy hoạch. Thậm chí, dù người trồng lúa không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, nhưng không có chính sách bảo trợ của Nhà nước cho tương thích, chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại khi bị thiên tai. “Những hỗ trợ khác nếu có cũng không đến được với người trồng lúa, trong khi sản xuất vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường”. Vì sự mâu thuẫn trong chính sách nêu trên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy, nông dân vẫn canh tác theo phong trào, bất chấp các cảnh báo trồng không theo quy hoạch, gây ra nhiều hậu quả, phải tổ chức nhiều cuộc giải cứu nông sản.

Nhiều ĐBQH cho rằng, thể hiện chính sách của Nhà nước về trồng trọt (tại Điều 6) không cần viết dài, nhưng cần xác định rõ định hướng, phù hợp với khả năng nguồn lực, và chú ý cụ thể hóa ngay trong các điều luật tiếp theo. Đặc biệt, nhiều lần yêu cầu quy định cụ thể chính sách để cân đối cung cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa được các ĐBQH đưa ra. Bởi lẽ, chính sách này chưa được đưa vào dự thảo luật, song lại gắn liền với mồ hôi nước mắt, cơm áo gạo tiền của người nông dân một nắng hai sương vắt kiệt sức lực để làm ra sản phẩm với giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, bị ép giá thua lỗ trong thời gian qua. “Nếu xây dựng dự án luật mới chú trọng quy định chặt chẽ cụ thể rõ ràng để làm điểm tựa an toàn trong quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt tôi thấy chưa đạt mục tiêu xây dựng luật” - ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhận định.

Các ý kiến xác đáng, có căn cứ, lập luận chặt chẽ của ĐBQH đã thuyết phục cơ quan chủ trì soạn thảo. Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu. Hy vọng rằng, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao của cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật Trồng trọt gửi đến ĐBQH tại kỳ họp sau sẽ có một diện mạo mới, thực sự trở thành điểm tựa cho nông dân.

Thanh Hải