Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới đất nước

Bài cuối: Xây dựng Đảng trong sạch, vững, mạnh

- Thứ Năm, 10/09/2020, 05:29 - Chia sẻ
Hệ thống chính trị nước ta gồm ba thành tố: Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Ba thành tố này có mối quan hệ hữu cơ với nhau và đoàn kết trong một khối thống nhất - khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tế đã chứng minh, ở đâu, khi nào, mối quan hệ giữa ba thành tố này được xây dựng, duy trì tốt thì ở đó, khi đó sẽ đạt nhiều thành công. Muốn giữ ổn định chính trị, giữ vững thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được thì phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững, mạnh, trước hết là xây dựng Đảng.

Điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo thắng lợi

Đảng trong sạch, vững mạnh vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo thắng lợi. Đảng trong sạch là cơ sở để cả hệ thống chính trị trong sạch, bởi đảng viên giữ hầu hết vị trí lãnh đạo, vị trí chủ chốt các cơ quan trong hệ thống chính trị. Vững, là thể hiện sự kiên định, không bị dao động về quan điểm, mục tiêu, đường lối xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Trong sự nghiệp đổi mới, là kiên định phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kiên định nhưng không bảo thủ mà phải đổi mới, sáng tạo, vận dụng các nguyên lý, các quy luật cho phù hợp với thực tiễn, từng thời điểm theo quan điểm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mạnh, là thể hiện sức mạnh, "tài năng" của Đảng. Mỗi đảng viên tự học tập, rèn luyện vươn lên để Đảng ta đủ sức lãnh đạo cách mạng vượt qua những khó khăn đưa đất nước tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu - như lời Bác Hồ đã dạy.

Lịch sử đã chứng minh chỉ có và phải luôn luôn xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững, mạnh mới có thể đưa đến thành công của cách mạng Việt Nam. Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ giữ được vai trò lãnh đạo, tránh được sự lệch lạc, chệch hướng. Nhà nước trong sạch, vững mạnh sẽ quản trị hiệu quả đất nước để dẫn dắt nền kinh tế, xã hội đi đúng con đường đổi mới - nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, bảo đảm cho nền dân chủ được thực hiện. Nhân dân (đại diện là MTTQ và các đoàn thể nhân dân) đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ, làm theo sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật. Nhân dân là người thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, là người làm nên sự thịnh vượng của đất nước. Vì vậy, Đảng ta luôn xác định, đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương khảo sát dự án giao thông tại huyện Thanh Miện.
Ảnh: Đình Bộ

Nhận thức, giải quyết tốt mối quan hệ Đảng - Nhà nước - Nhân dân

Trước hết, cần nhận thức đúng, xử lý đúng mối quan hệ giữa ba chủ thể trong hệ thống chính trị. Thực chất, mối quan hệ đó là việc phân định chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể và mỗi chủ thể phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không "lấn sân", làm thay, không bỏ sót nhiệm vụ.

Đảng với vai trò lãnh đạo, đưa ra chủ trương, những định hướng lớn bằng nghị quyết của cấp ủy. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng thể hiện thông qua vai trò của mỗi đảng viên nắm các vị trí trọng trách trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Khái niệm toàn diện ở đây cần được hiểu là tính bao quát sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt, các lĩnh vực đời sống xã hội, không bỏ sót. Đảng lãnh đạo toàn diện khác với khái niệm làm tất cả, làm thay, dẫn đến can thiệp quá sâu vào công việc của các chủ thể khác, dẫn đến sự ỷ lại, trông chờ, việc dễ thì làm, việc khó thì báo cáo xin ý kiến, chờ ý kiến chỉ đạo, đổ trách nhiệm lên tập thể. Ở đâu đó mà việc gì, cái gì cấp ủy cũng "quyết" hết, thì chính quyền chỉ còn như là một cái máy, hoạt động một cách hình thức. Đây là một thực trạng không hiếm xảy ra.

Nhà nước (chính quyền), thực hiện chức năng quản trị đất nước, các chế định pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền nhà nước. Cứ theo đó, chính quyền phải thực hiện đầy đủ chức năng đó; đồng thời, các cấp chính quyền cần thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh "ôm đồm" quá sức dấn đến hiệu quả quản trị kém.

MTTQ và các đoàn thể nhân dân với vai trò đại diện các tầng lớp nhân dân, có chức năng tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, hăng hái làm theo đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Mối quan hệ này đã được phân định bằng các quy định pháp luật, quy định chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bằng quy chế, chế độ làm việc của mỗi tổ chức. Nhưng trên thực tế, không ít nơi vi phạm hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng, dẫn đến kìm hãm sự phát triển.

Hai là, xây dựng bộ máy Nhà nước, hệ thống chính quyền vững mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước cần thay đổi tư duy quản trị, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tư duy quản trị đất nước trong nền kinh tế thị trường cần đổi mới, đó là: Tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, không thể dùng ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính để điều hành thị trường được. Nhà nước điều tiết nền kinh tế, xã hội để phát huy mặt tốt, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ làm và phải làm những "gì" mà các thành phần kinh tế khác không được làm hoặc không muốn làm vì lợi nhuận thấp, không có lợi nhuận, hoặc lĩnh vực mà Nhà nước phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, các dịch vụ công về: Giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng... Các lĩnh vực khác, Nhà nước chỉ định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác làm, Nhà nước tập trung và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để mọi tổ chức, cá nhân thực hiện đúng pháp luật.

Ba là, cần đổi mới phương thức, cơ chế lãnh đạo, quản lý. Trước hết là đổi mới ngay trong quy chế làm việc của Ban chấp hành, Ban Thường vụ ở cấp ủy mỗi cấp. Ở đó, sẽ phân định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân là những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị. Bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, hạn chế việc họp hành, "cho ý kiến" quá nhiều, "cho ý kiến" vào những việc cụ thể, dẫn đến bao biện, làm thay. Sự lãnh đạo của cấp ủy cần tập trung bàn, xử lý những việc lớn, quan trọng mang tính định hướng, chiến lược; đồng thời, cần tập trung vào việc đôn đốc, kiểm tra, các tổ chức Đảng, cấp ủy viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Chính quyền cụ thể hóa nghị quyết cấp ủy bằng các quyết định quản lý (Nghị quyết HĐND, các quyết định của UBND).

Thực hiện triệt để cơ chế phân cấp, ủy quyền, nhằm tăng cường trách nhiệm cho chính quyền các cấp, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, việc khó thì đẩy cho tập thể, khó nữa thì "xin ý kiến cấp ủy". Có như vậy, bộ máy hành chính mới hoạt động hiệu quả, người đứng đầu mới xác định và chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị trước Nhà nước, trước Nhân dân, tránh đổ lỗi cho tập thể.

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương