Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi):

Xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh, tinh gọn và hiệu quả

- Thứ Hai, 02/03/2020, 00:54 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Không quy định về tổ chức tự vệ tại doanh nghiệp

Trình bày Tờ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (DQTV), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, QH đã ban hành một số luật liên quan đến dân quân tự vệ, tuy nhiên, Luật DQTV và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật có nhiều quy định không còn phù hợp, thiếu thống nhất, chưa đầy đủ, đồng bộ với các luật liên quan và hệ thống pháp luật hiện hành về một số điểm. Do vậy, dự án Luật DQTV (sửa đổi) được xây dựng nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy địn h còn phù hợp của pháp luật về DQTV hiện hành; thu hút, nâng cao hiệu lực pháp lý một số quy định trong văn bản dưới luật; bổ sung quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy phù hợp vào Luật sửa đổi. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 50 điều (giảm 01 chương, 16 điều so với Luật 2009).


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (DQTV)

Về các quy định mới tại dự án Luật, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của DQTV để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng. Quy định DQTV thường trực là một trong những thành phần của DQTV, không luân phiên trong dân quân cơ động để khẳng định địa vị pháp lý của DQTV thường trực, phù hợp với thực tế hiện nay các địa phương đã và đang thực hiện. Bổ sung quy định lồng ghép đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV với đăng ký nghĩa vụ quân sự nhằm cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của công dân và cơ quan, tổ chức theo tinh thần cải cách hành chính của Đảng và nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dự án Luật bỏ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành: “Doanh nghiệp chưa tổ chức lực lượng tự vệ, thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động”. Vì, thực tiễn những năm qua hầu hết các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ và địa phương không thực hiện được và đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.

Về chế độ, chính sách của DQTV, dự thảo Luật điều chỉnh bổ sung theo hướng Luật chỉ quy định chế độ, chính sách được hưởng, còn định mức được hưởng Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm tính linh hoạt. Và bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực; phụ cấp đặc thù đi biển; bảo đảm tiền ăn (Luật Dân quân tự vệ hiện hành quy định là hỗ trợ tiền ăn) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của DQTV trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện. Về kinh phí, dự thảo Luật quy định theo hướng: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho DQTV của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và địa phương. Kinh phí của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm cho tự vệ của cơ quan, đơn vị mình.

Chính phủ cũng báo cáo và xin ý kiến QH đối với một vấn đề có ý kiến khác nhau như: phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.

Tránh dàn trải nguồn lực

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật DQTV hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra

Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa yêu cầu xây dựng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp” nhưng cần tinh gọn về tổ chức, biên chế, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.

Về tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp như dự thảo Luật là khó khả thi, vì theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó bảo đảm phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng Tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Có ý kiến đề nghị sửa lại Điều này theo hướng quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp chưa tổ chức Tự vệ phải tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ ở địa phương.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn Điều này, bảo đảm tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ của mình trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tin: Phương Thủy
Ảnh: Quang Khánh