Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vững mạnh

- Thứ Tư, 09/09/2020, 05:30 - Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình - chủ tọa điều hành phiên họp của Ủy ban Xã hội, Đại hội đồng AIPA 41, Việt Nam nhận thức rằng, để hướng đến phát triển bền vững, cần gắn kết Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Sáng kiến này của Việt Nam không chỉ vì sự phát triển bền vững của khu vực mà còn của cả thế giới và đã được các thành viên AIPA ủng hộ.
Ảnh: Quang Khánh

Vì sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới

- Một trong hai báo cáo sẽ được trình thông qua tại phiên họp của Ủy ban Xã hội, Đại hội đồng AIPA 41 vào chiều nay (9.9) là Báo cáo của Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA - ECC). Hội nghị này là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPA 2020 và đã được tổ chức thành công cuối tháng 7 vừa qua. Xin ông có thể cho biết ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị này?

- Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, đồng thời tạo dựng một bản sắc chung của khu vực. Trên tinh thần ấy, Việt Nam nhận thức rằng, để hướng đến phát triển bền vững, chúng ta cần đi sâu hơn vào những vấn đề cụ thể đồng thời gắn kết Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs). Sáng kiến này của Việt Nam không chỉ vì sự phát triển bền vững của khu vực mà còn của cả thế giới và rất vui là đã được các thành viên AIPA ủng hộ.

- Cụ thể, hội nghị đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Hội nghị lần này chọn chủ đề hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững. Theo đó, các đại biểu đã thảo luận về liên thông trong giáo dục hướng đến chuẩn chất lượng giáo dục chung của ASEAN, từ đó tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển cho cả khu vực; hay các loại hình đào tạo từ xa, trực tuyến để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất rằng, cần gắn kết để tạo ra văn hóa chung ASEAN, có cơ chế để vừa bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa kết nối các di sản văn hóa trong khu vực, từ đó xây dựng tuyến du lịch ASEAN. Báo cáo và nghị quyết của hội nghị sẽ được thông qua tại phiên họp của Ủy ban Xã hội, Đại hội đồng AIPA 41. Trách nhiệm của các nghị viện thành viên AIPA là tạo hành lang pháp lý để đạt được những mục tiêu này.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Ảnh: Quang Khánh

Có cơ chế hợp tác và giám sát hiệu quả

- Thông thường tại Đại hội đồng AIPA, mỗi ủy ban sẽ tùy theo đề nghị của nghị viện các nước thành viên để thông qua các nghị quyết chuyên đề. Lần này, do Covid-19, không thể họp trực tiếp và thời gian họp ngắn, nên mỗi ủy ban chỉ ra một nghị quyết chung phục vụ cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và vượt qua đại dịch. Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Xã hội đã được xây dựng như thế nào, thưa ông?

- Đây là điểm mới trong cách thức tổ chức của Ủy ban Xã hội cũng như của AIPA. 5 nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã trao đổi và thống nhất đề xuất Nghị quyết “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với Covid-19”. Dự thảo Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến các nước đồng bảo trợ và sau đó gửi xin ý kiến các nghị viện thành viên 3 lần. Sau khi có ý kiến phản hồi của các nghị viện thành viên, dự thảo Nghị quyết đã được điều chỉnh, tiếp thu nghiêm túc, tối đa, với tinh thần hợp tác, xây dựng, bao trùm và toàn diện. Dự thảo Nghị quyết cũng đã được đăng tải trên website của Đại hội đồng AIPA 41 và ứng dụng (app) của Hội nghị.

Vì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội vốn đã gồm nhiều lĩnh vực, ở đây chúng ta lại ghép kiến nghị của 5 nước, thành ra nghị quyết khá đầy dặn, trong đó có 8 cơ sở để ban hành nghị quyết và 11 quyết nghị. 8 cơ sở đã đánh giá lại việc xây dựng và phát triển Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN kể từ 2003 đến nay, tình hình Covid-19, sự cố gắng của các nước ASEAN đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội... Dự thảo Nghị quyết cũng lưu ý về sự thiếu phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa các nước thành viên trong quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội tại từng nước và việc ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua.

- Trên 8 cơ sở đánh giá như vậy, dự thảo Nghị quyết đã đưa ra các quyết nghị gì đáng chú ý?

- Trước hết, dự thảo Nghị quyết khẳng định quyết tâm của các nghị viện thành viên AIPA ủng hộ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Dự thảo Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề, trước mắt các nghị viện thành viên phải tạo mọi điều kiện hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, tận dụng các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt để đưa ra các chính sách hỗ trợ y tế, điều trị... Dự thảo Nghị quyết cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên nhanh chóng cung cấp hỗ trợ sinh kế và sức khỏe cho tất cả người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và các ngành có rủi ro cao.

Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết khuyến nghị nâng cao năng lực cơ chế giám sát nghị viện đối với các chính sách về văn hóa - xã hội, bảo đảm các chính sách văn hóa - xã hội được thực hiện đúng hướng, góp phần xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vững mạnh khi ứng phó với đại dịch Covid-19; đồng thời đẩy mạnh hợp tác hiệu quả và toàn diện giữa các nghị viện thành viên AIPA để vượt qua thách thức nhằm gia tăng nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế, lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Tuy đây là nghị quyết chung của Ủy ban Xã hội, nhưng như tôi đã nói, khá đầy đặn, với 8 cơ sở, 11 khuyến nghị trên tất cả các lĩnh vực, nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN theo các mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu.

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Anh Minh thực hiện