Mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng Nhân dân

Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:05 - Chia sẻ
Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ phối hợp giữa HĐND và Kiểm toán Nhà nước, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Quá trình triển khai cho thấy, kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND.

Hiệu quả từ sự phối hợp

Từ năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, Kiểm toán Nhà nước Khu vực II (đại diện cho Kiểm toán Nhà nước tại địa phương) đã thống nhất ban hành quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước - Thường trực HĐND - UBND tỉnh. Kết quả triển khai sự phối hợp cho thấy, từ năm 2015 - 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức 4 đợt kiểm toán trên địa bàn tỉnh. Các kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá, nêu bật những mặt tích cực, những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý tài chính, điều hành ngân sách nhà nước ở địa phương; đồng thời đưa ra những kết luận, kiến nghị xác đáng, kịp thời đối với chính quyền địa phương các cấp (trong đó có HĐND các cấp) trong việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn tỉnh. Từ các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, hoạt động giám sát của HĐND và phản ánh kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh đã rút ra những điểm còn bất cập, những hạn chế, yếu kém cần chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp chấn chỉnh. Từ đó làm cơ sở cho việc xác định nội dung kế hoạch tăng cường giám sát.


Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình Bùi Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc với TP Ninh Bình về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước

Đáng ghi nhận, từ năm 2016 đến năm 2018, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 27 cuộc giám sát, 9 phiên chất vấn, 3 phiên giải trình có liên quan tới công tác quản lý tài chính ngân sách (có nhiều nội dung liên quan đến kết luận kiểm toán, một số nội dung Kiểm toán Nhà nước Khu vực II đã cử đại diện tham gia cùng với Đoàn giám sát của HĐND), điển hình là các cuộc giám sát thu ngân sách; giám sát việc quản lý thực hiện một số dự án có sử dụng đất đô thị; giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Tương tự, tại tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Mai Hoa cũng cho biết, quy chế phối hợp giữa hai cơ quan được thiết lập từ năm 2013 và kết quả đạt được rất tích cực. Theo bà Bùi Mai Hoa, trên cơ sở hoạt động độc lập, theo nguyên tắc trung thực và tuân thủ pháp luật, kết quả kiểm toán là sự phản biện khách quan, là bằng chứng pháp lý để HĐND thực hiện việc giám sát các hoạt động tài chính, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước.

“Trong thời gian qua, báo cáo kiểm toán là một trong những cơ sở hết sức quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Bình xem xét, lựa chọn các nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để tiến hành giám sát. Theo đó, trong các năm 2017, 2018, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 2 cuộc giám sát về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại hơn 20 cơ quan, đơn vị. Cụ thể là giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và các năm trước chưa thực hiện; giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước, bà Hoa cho biết. Cũng theo bà Hoa, trong chương trình giám sát năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình tiếp tục tổ chức giám sát về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Chưa có cơ chế pháp lý phù hợp

Mặc dù việc phối hợp đã đem lại những kết quả tích cực, song theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn cho biết, qua quá trình thực hiện đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, hiện nay, mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và HĐND chỉ mới dừng lại ở cấp tỉnh (đại diện là Kiểm toán Nhà nước khu vực và Thường trực HĐND tỉnh); ở cấp huyện, cấp xã hầu như không xác lập vì một phần do nhận thức của Thường trực HĐND cấp cơ sở, một phần do thiếu văn bản hướng dẫn. Giữa hai bên, mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng vẫn còn mang tính chất “thỏa thuận”.

Bên cạnh đó, việc xác lập các nội dung trong quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và HĐND các cấp chưa có cơ chế pháp lý ràng buộc, hệ thống văn bản pháp lý vẫn chưa đồng bộ, do vậy một số nội dung phối hợp đã ban hành quy chế nhưng vẫn khó thực hiện một cách đầy đủ (do tổ chức bộ máy, do yêu cầu nhiệm vụ, sự “chênh múi” trong kế hoạch hoạt động các bên như: Thời điểm ban hành kết luận kiểm toán và thời điểm xây dựng Kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh).

Cũng theo ông Sơn, việc xác lập cơ chế pháp lý làm cơ sở xây dựng và thực hiện mối quan hệ vẫn đang gặp khó khăn. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội. Mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với HĐND tỉnh vẫn chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện. Do vậy, mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và HĐND chưa đưa ra được cơ chế pháp lý phù hợp.

Đồng quan điểm, bà Bùi Mai Hoa cũng cho rằng, quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với HĐND mới chủ yếu diễn ra ở cấp tỉnh, chưa có sự phối hợp với chính quyền cấp huyện và cấp xã. Hoạt động công khai kết quả kiểm toán và phối hợp trong việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn hạn chế. Mặc dù khi phát hành báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình và Thường trực HĐND tỉnh đã quan tâm tổ chức khảo sát, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước nhưng việc xử lý kết quả kiểm toán mới chỉ chủ yếu dừng ở việc xử lý tài chính (thu, nộp ngân sách; điều chỉnh quyết toán…). Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm do Kiểm toán Nhà nước phát hiện còn chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời.

Từ thực trạng trên, bà Bùi Mai Hoa đề xuất, cần hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với HĐND các cấp, đặc biệt là tập trung hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước để xây dựng các chế định pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần xác định rõ đối tượng, phạm vi hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; đồng thời, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài chính nhà nước và có sự phối kết hợp chặt chẽ trong hoạt động của các cơ quan này, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực trong quản lý kinh tế - tài chính của địa phương.

Bảo Anh