Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

Xây dựng chương trình hành động khả thi

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:18 - Chia sẻ
Để có thể giới thiệu được những đại biểu thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, cần có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực có đủ đức, tài, tâm huyết giới thiệu vào cơ quan dân cử các cấp. Trong rất nhiều nội dung cần bồi dưỡng ấy, có một nội dung mà theo tôi rất quan trọng, đó là xây dựng chương trình hành động của các ứng cử viên trong cả nhiệm kỳ một cách thực tế, khoa học, có tính khả thi.

Lời hứa của đại biểu trước cử tri

Cơ quan dân cử có mạnh, chính quyền mới mạnh. Chính quyền mạnh mới thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng thành công, mới làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều cơ quan dân cử, nhất là ở cấp cơ sở còn không ít hạn chế, chủ yếu do tiêu chuẩn đại biểu HĐND mới chỉ đáp ứng được về cơ cấu, chất lượng nhìn chung chưa tương xứng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được trao. Để có thể giới thiệu được những đại biểu thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nhiệm kỳ 2021 - 2026, thiết nghĩ ngay từ bây giờ, cần có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực có đủ đức, tài, tâm huyết giới thiệu vào cơ quan dân cử các cấp.

Trong rất nhiều nội dung cần bồi dưỡng ấy, có một nội dung mà theo tôi - người đã từng có một thời gian gắn bó với hoạt động của cơ quan dân cử nhận thấy rất quan trọng, đó là xây dựng chương trình hành động của các ứng cử viên trong cả nhiệm kỳ một cách thực tế, khoa học, có tính khả thi. Bởi vì, chương trình hành động của đại biểu chính là lời hứa của đại biểu trước cử tri về những vấn đề thuộc lĩnh vực mà đại biểu đang phụ trách, đang đại diện. Chương trình hành động ấy thể hiện trình độ, năng lực, tầm nhìn và phẩm chất đại biểu. Cử tri tin tưởng, kỳ vọng vào đại biểu, cầm lá phiếu tín nhiệm đại biểu, trước hết là nghe xem đại biểu hiểu gì, biết gì, nghĩ gì và có giải pháp như thế nào để tham mưu, tham gia giải quyết những vấn đề cử tri đang quan tâm, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững...


Lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng viên đại biểu dân cử nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Kim Ly

Phù hợp, khoa học, có tính thuyết phục cao

Người ứng cử, để bảo đảm cơ cấu, dù là đại diện cho các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... đại diện cho các tôn giáo, các đoàn thể nào thì cũng phải bảo đảm am hiểu rõ lĩnh vực mình đang đảm trách, đại diện. Lĩnh vực ấy có nhiệm vụ gì, đang được thực hiện như thế nào, những hạn chế, vướng mắc phải khắc phục ra sao? Nếu trúng cử, bản thân sẽ làm gì trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện để ngành mình phụ trách, đang đại diện ấy ngày càng phát triển tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, cũng phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Hiểu cử tri đang nghĩ gì, đang cần gì để có thể chuyển được nguyện vọng ấy, tâm tư ấy đến các cơ quan chức năng; trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia xây dựng nghị quyết HĐND; theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nguyện vọng của cử tri cũng như thực hiện nghị quyết HĐND các cấp...

Không chỉ có vậy, mỗi một chương trình hành động của người ứng cử cũng có những đặc trưng riêng, không chỉ về nghề nghiệp hay vị trí công tác, mà còn những khác biệt về vùng miền, dân tộc, giới tính, tôn giáo... Chương trình hành động của một người đang giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương phải khác với chương trình hành động của người được thôn phố giới thiệu ứng cử; chương trình hành động của đại biểu đại diện cho phụ nữ khác với của người đại diện cho tôn giáo... không thể có một mẫu hành động chung cho cuộc vận động bầu cử, mà chỉ có chương trình hành động của riêng mỗi đại biểu mà thôi.

Muốn làm được điều đó, ngay từ khi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, ngoài cung cấp kiến thức về bộ máy nhà nước, Hiến pháp, về các điều luật liên quan đến tổ chức và hoạt động, về vị trí, tính chất, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu HĐND, việc giúp cho người được giới thiệu ứng cử hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung cần có và cách thức xây dựng một chương trình hành động phù hợp, khoa học, có tính thuyết phục cao là vô cùng cần thiết.

Việc làm trên nhằm tránh trường hợp như nhiều nhiệm kỳ trước, tại một số địa phương, chương trình hành động của người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp rất chung chung, được sao chép nguyên văn từ luật về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đại biểu; lời hứa cũng rất chung chung như: Gần gũi cử tri, làm tốt vai trò là cầu nối...; chuyển tải đầy đủ ý kiến cử tri... hứa chấp hành nghiêm túc Hiến pháp, pháp luật, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước... Một chương trình hành động không thể hiện được đúng vị trí, vai trò của đại biểu, không thể hiện được cái tầm, cái tâm, cái nhiệt huyết của đại biểu dân cử... thì làm sao đại biểu có thể thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương sẽ thực sự mạnh khi có các đại biểu dân cử thực sự có trình độ, năng lực, có đạo đức và tâm huyết với công việc của mình. Mà điều đó thể hiện ngay từ đầu, khi đại biểu xây dựng được một chương trình hành động đúng, khoa học, phù hợp với vị trí, vai trò của bản thân. Khi các thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước của địa phương có đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh của người đại biểu, HĐND mới thực sự làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình.

Luyện Thị Hạnh - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Nam, Bắc Giang