Xây dựng chính quyền năng động, phục vụ

- Thứ Năm, 22/08/2019, 07:27 - Chia sẻ
Tính cấp bách, thiết thực của cải cách hành chính (CCHC) trong bối cảnh phát triển chung đã được Tỉnh ủy Yên Bái quán triệt đầy đủ, chi tiết tới từng cấp, từng cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Giờ là lúc thực hiện, trên tinh thần chậm chắc, làm từ trên xuống dưới và sẵn sàng rút kinh nghiệm, chỉnh sửa ngay khi cần thiết...

Phát huy tinh thần nêu gương

Năm 2019, Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu chỉ số cải CCHC tăng từ 8 đến 10 bậc so với năm 2018, phấn đấu nằm trong tốp 30 của cả nước; chỉ số PCI tăng từ 4 đến 6 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được cải thiện tốt và đồng bộ cả 8 nội dung đánh giá. Để thực hiện được mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa việc CCHC bằng kế hoạch, trong đó nêu rõ giải pháp đối với các chỉ số giảm điểm; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối, thường xuyên kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả của bộ phận phục vụ hành chính công các cấp nhằm giảm tỷ lệ trễ hẹn của các TTHC... 

Cuối tháng 7 vừa rồi, có hai phiên họp đã đi vào lịch sử CCHC tỉnh Yên Bái và cũng là tỉnh đầu tiên của Tây Bắc thực hiện triển khai chính quyền điện tử “phòng họp không giấy”. Đó là Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVIII lần thứ 26 mở rộng, và HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp lần thứ 14 (chuyên đề). Đại biểu tham dự cả hai kỳ họp đều không sử dụng tài liệu cứng (bằng giấy), mà tất đều trực tuyến thông qua thiết bị thông minh. Như vậy, cảnh thức đêm để kịp photo, sắp xếp, chuẩn bị tài liệu vốn quá quen với cán bộ, công chức các văn phòng sẽ kết thúc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin là bước đầu tiên, nhưng là bước đi rất dài khi cơ quan đảng và cơ quan dân cử gương mẫu vào cuộc, để Yên Bái bắt đầu một cuộc cách mạng cải cách.

Chủ đề năm công tác 2019 mà Tỉnh ủy phát động có đề cập đến các cụm từ: “đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp…”. Như vậy là khá rõ! Muốn nhà đầu tư đến với mình, muốn doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước chọn Yên Bái làm nơi khởi nghiệp, kinh doanh thì phải tạo được niềm tin. Niềm tin là khái niệm vô hình, nhưng rất khó, khó nhất! Nhưng khó không phải là không làm được. Nếu theo dõi, sẽ thấy ở một số lĩnh vực, Yên Bái không biết phải… cải cách gì nữa, vì độ mở đã đạt tới biên độ tối đa. Tức là pháp luật Việt Nam cho phép những điều gì, thì Yên Bái đã vận dụng và sẵn sàng áp dụng và trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư tâm huyết, nghiêm túc lên tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Là tỉnh nghèo, quy mô và tiềm năng của nền kinh tế không thật nổi trội nên cách đi của Yên Bái cũng khác. Không thể ào ào và không thể “trên diện rộng” được. Tỉnh sẽ chọn những việc mà nội tại có thể làm được ngay.

Về phần chính quyền, liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh lúc này, không nhiều người muốn đề cập đến CCHC. Không phải ngại, mà đơn giản cơ quan hành chính đã rất thấm CCHC. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Tiến Thịnh chia sẻ: CCHC ở Yên Bái được quan tâm đặc biệt, và sự quan tâm đó giúp CCHC mang đến hai lợi ích tức thì. Thứ nhất là khi được quan tâm, đội ngũ cán bộ sẽ được bồi dưỡng, cập nhật về mặt nghiệp vụ, song song với đời sống nâng lên. Thứ hai, khi lãnh đạo xuất hiện thường xuyên, rồi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trực tiếp được đẩy mạnh sẽ tự nhiên giúp chất lượng CCHC được cải thiện. Ở mặt thứ hai này, doanh nghiệp và người dân là đối tượng được thụ hưởng trước tiên. Các cơ quan Yên Bái đang tập trung cải thiện nhanh thể chế, trên tinh thần theo kịp và đáp ứng bằng được sự phát triển chung của đất nước và xã hội.

Từ quyết tâm của UBND tỉnh Yên Bái, mới thấy cuộc đua “ngầm” và lành mạnh giữa các địa phương chính là nguyên nhân thổi một làn gió mới vào sự khởi sắc của đất nước nhiệm kỳ này… Không phải ngẫu nhiên trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh trung tuần tháng 7.2019, điều đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái chính là CCHC với những con số biết nói, chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu chung chung.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động số 144 tại thị xã Nghĩa Lộ

Đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Một lần nữa có thể khẳng định, công cuộc CCHC ở Yên Bái đã có sự chuyển biến lớn, tích cực trong cách làm việc của cán bộ thực thi nhiệm vụ. Điều này được thể hiện qua chỉ số năng lực CCHC (PAR INDEX). Nếu như năm 2016, chỉ số PAR INDEX ở Yên Bái xếp thứ 53 thì đến năm 2017 tăng lên 14 bậc, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố. Và đến năm 2018, chỉ số này tiếp tục tăng lên 8 bậc, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố. Đây là điều đáng mừng, song nhiệm vụ CCHC ở Yên Bái vẫn còn vô vàn khó khăn. Trình độ dân trí, nhận thức của người dân vùng cao Yên Bái còn hạn cũng là yếu tố khách quan khiến quá trình CCHC chậm hơn so với mong đợi. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo CCHC của chính quyền ở một số nơi chưa quyết liệt, sâu sát và cụ thể; công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế.

Mới đây, tại Hội nghị về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,  Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ: Muốn biết bản thân mình có làm tốt nhiệm vụ được giao hay không, thông qua người dân và doanh nghiệp sẽ là kênh đánh giá chính xác nhất. Bởi vậy, trong câu chuyện CCHC, Yên Bái xác định đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm CCHC. Hay nói cách khác, CCHC phải sâu sắc, xuất phát từ trái tim người cán bộ và phải chạm đến trái tim của người dân.

Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định: Yên Bái sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với các nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền về CCHC. 

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu và tầm quan trọng của CCHC trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức trong hành động; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về cải cách TTHC qua chỉ đạo và thực hiện. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu UBND các cấp chủ động tương tác tích cực với người dân, thông qua lịch tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình trực tiếp với người dân; tạo mọi điều kiện để người dân có thể tiếp xúc thường xuyên với cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; tăng cường và nâng cao chất lượng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ công ích; làm tốt công tác bồi dưỡng cho đội ngũ công chức làm công tác CCHC trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được tỉnh ban hành trong các bộ chỉ số năm 2018.

Với những quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin rằng, không lâu nữa, Yên Bái sẽ nằm trong top những tỉnh đi đầu về CCHC, xây dựng chính quyền năng động, phục vụ vì người dân và doanh nghiệp.

TRỌNG HIẾU