Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV:

Xây dựng bộ đội biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

- Thứ Năm, 21/05/2020, 12:44 - Chia sẻ
Sáng 21.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã họp trực tuyến nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Nhiều biện pháp công tác biên phòng chưa được luật hóa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Theo Tờ trình việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết, vì trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật.

Bên cạnh đó, dựa án Luật được xây dựng cũng xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, trong thực tế việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Tờ trình cũng nêu rõ, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng ban hành từ năm 1997 nên một số quy định của Pháp lệnh liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đồng thời, hình thức, bố cục của Pháp lệnh chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Hơn nữa, thực tiễn hơn 60 năm qua, bộ đội biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nhưng nội dung chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và bộ đội biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Từ những yêu cầu nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng tổ chức soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật gồm 7 chương, 33 điều, gồm ba nhóm chính sách lớn: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của bộ đội biên phòng; chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó, Chương II về Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng tập trung làm rõ về nhiệm vụ biên phòng, nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, quy định phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; giao Chính phủ quy định cơ chế phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tại Chương IV về lực lượng bộ đội biên phòng cũng tập trung làm rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, hệ thống tổ chức; trang bị, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu, trang phục, trang bị, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện của bộ đội biên phòng. Chương này tập trung làm rõ một số vấn đề quan trọng gồm: Bổ sung chức năng, một số nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn hiện nay; Quy định hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới từ thường xuyên lên tăng cường và trong tình trạng quốc phòng bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về quốc phòng.

Ảnh: Quang Khánh

Cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ đội biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh hiện hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhận định hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, song Ủy ban Quốc phòng và An ninh lưu ý, đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng lưu ý, các quy định của dự thảo Luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trùng lắp, chưa phân định rõ ràng với Luật Biên giới quốc gia, nên không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi. Có ý kiến cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính hợp hiến, như: nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng “đặt dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước” (khoản khoản 2 Điều 6) chưa phù hợp với khoản 5 Điều 88 Hiến pháp quy định Chủ tịch Nước “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân”; khoản 2 Điều 17 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ cần phải được cụ thể ngay trong luật, vì liên quan trực tiếp đến hạn chế quyền con người, quyền công dân; nhiều nội dung chồng chéo hoặc chưa thống nhất với các luật khác.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam
Ảnh: Quang Khánh

Do vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên, đồng thời rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Về tên gọi dự án Luật, một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” là chưa chính xác, vì phạm vi điều chỉnh có nhiều nội dung trùng với quy định của Luật Biên giới quốc gia, chưa đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, quy định “Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu” tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật trùng lắp với quy định tại Điều 2 Luật Biên giới quốc gia. Đồng thời, Luật Biên giới quốc gia có Chương III quy định cụ thể về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (từ Điều 25 đến Điều 34). Do đó, đề nghị chỉ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng BĐBP, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cho phù hợp với khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia và trên cơ sở nâng Pháp lệnh Bộ đội biên phòng thành Luật; theo đó sửa tên Luật là “Luật Bộ đội biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam”.

Về nội dung này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc xác định đúng tên Luật có ý nghĩa quyết định đến phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo Luật. Nếu giữ tên “Luật Biên phòng Việt Nam” thì cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng theo hướng công tác biên phòng là một bộ phận của công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Mặt khác, nhiệm vụ này có sự tham gia của nhiều lực lượng ở khu vực biên giới và đã được quy định tại nhiều luật, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia, nên cần rà soát kỹ, đánh giá đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới để tránh chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về dự án Luật này.

P.Thủy