Xây dựng bộ công cụ phục vụ hoạt động giám sát lĩnh vực giáo dục

- Thứ Năm, 11/04/2019, 14:08 - Chia sẻ
Sáng 11.4, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức hội thảo “Xây dựng bộ công cụ phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục”.

Theo TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - chủ nhiệm Đề tài cấp bộ “Xây dựng bộ công cụ phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục” - Mã số ĐTCB.2017-19, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ có mục tiêu nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá giáo dục thường niên. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Ủy ban đặt ra việc xây dựng được bộ công cụ giám sát, đội ngũ chuyên gia, cũng như kho dữ liệu về giáo dục. Kế hoạch này đang được triển khai.

Trong chương trình phối hợp giữa Ủy ban với ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng kho dữ liệu chung, và 2 bộ công cụ giám sát về giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban có Đề tài nghiên cứu cấp bộ phục vụ giám sát của Quốc hội và ĐBQH trong lĩnh vực giáo dục. Đây là đề tài mới theo hình thức nghiên cứu từ trước đến nay của Ủy ban, sản phẩm không phải là báo cáo, mà là bộ công cụ, và sẽ có hướng dẫn phục vụ bộ công cụ này. Đề tài đưa ra các chỉ số, số liệu hỗ trợ cho hoạt động giám sát dưới dạng khung, vì thực tế hoạt động giám sát phụ thuộc vào các chủ đề, chuyên đề theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bộ công cụ giám sát lĩnh vực giáo dục mà Đề tài hướng đến là nhằm phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội (đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ), ĐBQH. Việc xây dựng bộ công cụ vừa đáp ứng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, ĐBQH trong giám sát các cơ quan, cá nhân liên quan đến lĩnh vực giáo dục; vừa gắn với các chính sách, pháp luật về giáo dục, hệ thống giáo dục của Việt Nam; đồng thời tham khảo lý thuyết và thực tiễn đánh giá, giám sát giáo dục trên thế giới.

Được xây dựng dựa trên chức năng, nhiệm vụ về giám sát của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH; xuất phát từ khuôn khổ chính sách pháp luật về giáo dục; cũng như một số khung tham chiếu về giám sát và đánh giá giáo dục, một số Bộ chỉ số quản trị quốc gia, Bộ công cụ giám sát của Quốc hội, ĐBQH trong lĩnh vực giáo dục bao quát giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục suốt đời; các tiêu chí khác nhau từ góc độ quản lý nhà nước để đánh giá hệ thống giáo dục; các chỉ số đầu vào và hoạt động, kết quả đầu ra, tác động của giáo dục.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, nếu xây dựng được bộ công cụ này sẽ hỗ trợ các ĐBQH trong hoạt động giám sát lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, đề tài cần bổ sung khung lý thuyết, gồm 3 vấn đề: Đánh giá hoạch định chính sách, thực thi chính sách, và điều chỉnh chính sách; làm rõ phạm vi đề tài, hệ thống định nghĩa, quan niệm về giáo dục; bên cạnh đó, đưa ra được các nội dung giám sát, đối tượng giám sát, phương thức giám sát và hành động sau giám sát; bổ sung một bộ tiêu chí đánh giá về học tập suốt đời (GDTX)... giúp việc giám sát trong lĩnh vực giáo dục đạt kết quả tốt hơn, bảo đảm giáo dục công bằng và chất lượng cho mọi người dân.

Tin và ảnh: Ng. Phương