50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) - Tầm vóc vĩ đại của tác phẩm bất hủ

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - 5 nhiệm vụ chủ yếu

- Thứ Bảy, 07/09/2019, 07:16 - Chia sẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Do vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Kiên trì, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt

Công tác xây dựng Đảng cầm quyền theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 nội dung lớn. Một là, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nêu rõ “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Khẳng định “sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”, Người căn dặn “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hai là, phải phát huy dân chủ rộng rãi, tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc. Người nêu rõ “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Ba là, hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa, hư hỏng trong Đảng. Người căn dặn “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Người, những năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng. Từ thực tiễn đất nước qua hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới nói chung, đổi mới tư duy nói riêng ở nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “Đảng ta đã kiên trì, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạt được những kết quả quan trọng” , “Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới; xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Tuy nhiên, cùng với những tiến bộ đã đạt được, sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua cũng còn một số bất cập, chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ XII Đảng ta đã khẳng định, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng và Nhà nước”; “những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội”.

Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Để tiếp tục hiện thực hóa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Đảng thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tập trung vào 5 nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu.

Một là, tăng cường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao trình độ nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp ủy viên nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nguyên tắc tổ chức của Đảng, hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho địa phương và cho đất nước.

Hai là, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng có sức mạnh khi và chỉ khi mọi đảng viên và tổ chức Đảng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn có đoàn kết trong Đảng thì phải mở rộng dân chủ hơn nữa. Nhưng dân chủ rộng rãi không thể tách rời tập trung nghiêm ngặt, gắn chế độ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách; phải chống tập trung quan liêu và dân chủ quá trớn; đồng thời, phải chống tình trạng chung sống với những tư tưởng và hành động cơ hội chủ nghĩa vô nguyên tắc.

Ba là, cần thực hiện dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt Đảng, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, trên tình đồng chí, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Đồng thời, không đoàn kết hình thức, một chiều, nể nang, không dám đấu tranh. Khi thảo luận, tranh luận trong các tổ chức Đảng, có những ý kiến khác nhau thì những ý kiến trái chiều nhưng có tính xây dựng thuộc về thiểu số cần được tôn trọng và bảo lưu; tránh tình trạng có thái độ “quy chụp” những ý kiến, quan điểm trái chiều đó. Bởi vì, trước sự phát triển của cách mạng, có nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn hết sức phức tạp, chưa sáng tỏ đòi hỏi các cơ quan, tổ chức của Đảng phải thảo luận, tranh luận. Mọi cán bộ, đảng viên phải hết sức lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau tìm ra chân lý, lẽ phải.

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và phong cách làm việc dân chủ, khoa học; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực vào việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nêu cao sự gương mẫu của tổ chức Đảng và của mỗi đảng viên.

Năm là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt nhiệm vụ này chính là làm cho nội bộ Đảng trong sạch hơn. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của và nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực dưới mọi hình thức; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; không bao che, dung túng, không can thiệp, ngăn chặn; bảo đảm “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ lợi ích nhóm, chống đặc quyền, đặc lợi. Phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

PGS.TS. Doãn Thị Chín