Cà phê phin

Xác suất thống kê - Học sớm thì sao?

- Chủ Nhật, 10/11/2019, 08:27 - Chia sẻ
Mọi sự học đều có ích nếu học đúng cách, kể cả là học hỏi từ một sai lầm. Hơn hết, học không phải là để trả lời những câu hỏi sẵn có, mà là học để biết hoài nghi, sự hoài nghi là truyền thống của khoa học và triết học, là khởi nguồn của sự tiến bộ.

Việc cho trẻ cấp một học toán thống kê gây ra một cơn bão tranh cãi. Điều này là kết cục nhãn tiền cho thấy thiếu sót của một hệ thống giáo dục. Trừ những người đã mất lòng tin vào cải cách giáo dục thì dường như những người còn lại đều chỉ tin vào thứ mình đã từng được dạy, tuyệt đối hóa, trung thành trọn đời với xác tín giáo điều và có phản ứng cự tuyệt với những ý kiến trái chiều. Sự tranh cãi ấy cuối cùng chỉ để hơn thua chứ không nhằm tìm ra bản chất. Ai cũng cho rằng chỉ có nền giáo dục của bản thân mới là lẽ phải duy nhất.

Cá nhân tôi học xác suất thống kê khi bé thì thấy rằng chúng cũng tốt, lý thú cho trẻ nhỏ, rèn luyện cho trẻ em cách đặt vấn đề và phân tích tình huống, lựa chọn giải pháp và giảm thiểu rủi ro trong các phép thử. Mở rộng ra, nó còn liên kết đến các đề tài về lịch sử, nhân khẩu học... độ tuổi nào cũng có thể tìm hiểu từng bước. Nói đến thống kê thì không chỉ là toán xác suất thống kê cao cấp mà nó có thể dừng lại ở những vấn đề đơn giản mà trẻ nào cũng có thể tìm tòi, ví dụ: Có 5 con thỏ chia vào 4 cái lồng thì sẽ có ít nhất 1 lồng có nhiều hơn 1 con thỏ (Dirichlet). Xác suất thống kê có mặt ở mọi nơi, trong mọi sự vật hiện tượng, có từ chối thì cuối cùng cũng vẫn phải học, chẳng ai tránh được.

Do vậy, vấn đề về giáo dục ở Việt Nam ta không phải là “học” cái gì mà là “học” như thế nào. Ta nên ý thức rằng không có chân lý tuyệt đối và tất cả những gì mình biết hay học được đều có thể có thiếu sót. Một người biết nghi ngờ bản thân thì còn có tiềm năng hơn kẻ tin chắc mình đúng. Không ai là tuyệt đối, thiên tài hay kẻ thiểu năng đều có thể mắc sai lầm, sai lầm không phải là nguy hiểm mà điều nguy hiểm nằm ở chính sự cuồng tín của kẻ tin rằng mình không thể sai.

Lớn học theo cách của lớn, nhỏ học theo cách của nhỏ. Đàn hát, vẽ vời, thể thao, khoa học đều như vậy mà không có ngoại lệ. 

Dạy học là một nghề nhưng cũng là một nghệ thuật của truyền đạt và khơi mở tâm hồn. Đừng bao giờ lo sợ trẻ không học nổi mà ta phải tự xem lại xem mình có đủ khả năng dạy trẻ những vấn đề đó hay không. 

Mọi sự học đều có ích nếu học đúng cách, kể cả là học hỏi từ một sai lầm. Hơn hết, học không phải là để trả lời những câu hỏi sẵn có, mà là học để biết hoài nghi, sự hoài nghi là truyền thống của khoa học và triết học, là khởi nguồn của sự tiến bộ. Sự hoài nghi khiến ta biết đặt câu hỏi và đi tìm chân lý của mình. 

Người lớn (chúng ta) mà chỉ biết tin vào những gì từng được dạy, tức là chỉ biết hành động theo niềm tin được lập trình trước thì có khác gì cỗ máy?

Lê Quang từ Berlin