Xác lập “quyền lực mềm” quốc gia

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 08:57 - Chia sẻ
Những năm gần đây, vấn đề con người mới được đặt ra một cách sâu sắc, toàn diện, biện chứng trong mối quan hệ với xây dựng và phát triển văn hóa. Điều đó đã giúp văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực đời sống, không chỉ cung cấp năng lượng tinh thần, phát triển và hoàn thiện con người mới, mà còn đóng góp ngày càng lớn về kinh tế - xã hội.

Động lực cho phát triển

 Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người cần tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư; cần kiên trì quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển đất nước. Tăng mức chi ngân sách cho văn hóa, tăng mức đầu tư cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, xác lập “quyền lực mềm” quốc gia với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hóa Việt Nam...

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của văn hóa đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt là phát triển con người trong thời đại mới, ngày càng được nâng cao. Nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được, từ đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa ngày càng được nâng cao, từ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản; điều tra, sưu tầm, thống kê các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; sáng tạo văn học nghệ thuật phát triển, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, tiềm năng du lịch Việt Nam ra thế giới...

Nhằm khai thác, phát huy tích cực vai trò của văn hóa trong phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho biết, sau 2 năm, các quy định pháp luật chuyên ngành đã từng bước được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý quan trọng khuyến khích phát triển sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tổ chức đào tạo tài năng ở nước ngoài các ngành, chuyên ngành nghệ thuật để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa; tuyển chọn tài năng các ngành, chuyên ngành nghệ thuật, tạo nguồn nhân lực nghệ sĩ biểu diễn phục vụ xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa... đang được thực hiện.

Các ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa và quảng cáo cũng đã mang lại những lợi ích về kinh tế: Về điện ảnh, doanh thu năm 2017 đạt 3.228 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.353 tỷ đồng. Về nghệ thuật biểu diễn, năm 2017 tổ chức hơn 2.851 buổi biểu diễn, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt người xem, doanh thu bán vé trên 72 tỷ đồng; năm 2018 tổ chức 2.118 buổi, doanh thu bán vé trên 104 tỷ đồng...

Với nhiều địa phương, di sản văn hóa ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, với nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, nơi đây đã và đang là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, đặc biệt du lịch văn hóa - di sản phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của du khách. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế phục vụ phát triển du lịch ngày càng được coi trọng và đạt nhiều kết quả khả quan. Lượng khách quốc tế và nội địa đến Huế đã có sự tăng trưởng lớn, từ 40.000 lượt khách năm 1992 đã tăng gấp 4 lần (160.000 lượt khách) vào năm 1994 và năm 2018 là 4,33 triệu lượt khách. Qua đó, hình ảnh, thương hiệu điểm đến Cố đô Huế được nâng cao và quảng bá mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới...

Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tăng cường phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa. Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 80 triệu lượt, tổng thu du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2017...


Xây dựng, phát triển văn hóa và con người trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững

Gắn kết xây dựng văn hóa với phát triển con người

Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, cũng là sản phẩm của văn hóa, nói tới văn hóa trước hết phải nói đến con người, đồng thời, cũng từ con người để xây dựng văn hóa. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật ngành tiếp tục được hoàn thiện, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa...

 Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ: Thấm nhuần các quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người, là Thủ đô, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi người Hà Nội vừa phải giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp, các giá trị của ngàn năm văn hiến, vừa phải phát triển bản thân mình về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Công tác chỉ đạo, triển khai được thực hiện quyết liệt, toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Thực hiện giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh. Năm 2017, thành phố đã ban hành 2 quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội); đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô...

5 năm qua, trên cả nước, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, các loại hình dịch vụ văn hóa công cộng được nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Theo thống kê, đến nay cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 651/713 quận huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91%. Hệ thống thư viện công cộng tiếp tục phát triển mới, góp phần nâng cao việc xây dựng môi trường đọc và học tập suốt đời. Hiện cả nước có 21.084 thư viện, phòng đọc, với 42,3 triệu bản sách; tổng lượt bản đọc năm 2018 đạt 36,067 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện ước đạt 58,4 triệu lượt. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh Trần Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh các thiết chế văn hóa thể thao do Nhà nước đầu tư và quản lý, các thiết chế văn hóa thể thao do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng ngày càng nhiều, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, các cấp, các ngành cần tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, nhằm đạt được mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Điều đó thực sự có ý nghĩa trong việc phát triển bền vững của đất nước trong thế kỷ XXI, vốn được nhiều người coi là “thế kỷ của văn hóa”. 

Ngọc Phương