Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh

- Thứ Sáu, 10/05/2013, 08:54 - Chia sẻ
Khắc phục tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) chưa thực sự khoa học, dàn trải, thiếu tính khả thi và chậm đi vào cuộc sống, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND, Đoàn ĐBQH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành quy chế phối hợp hoạt động, quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tham gia xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND…

Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục ban hành văn bản.

Trong những năm qua, công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến thực sự. Quy trình xây dựng văn bản đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng văn bản được nâng lên, số lượng văn bản QPPL sai sót đã giảm hẳn. Việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh đã nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương; tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh.

Thực tiễn trong nhiệm kỳ 2004 - 2011 và từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay cho thấy: HĐND tỉnh ban hành số lượng văn bản QPPL rất lớn (111 văn bản). Các văn bản QPPL do HĐND ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và minh bạch. Nội dung nghị quyết của HĐND phù hợp với hiến pháp, pháp luật, sát thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều nghị quyết đi vào cuộc sống đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nghị quyết của HĐND và các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền UBND các cấp vẫn chưa thực sự khoa học, nhất là việc ban hành nghị quyết HĐND chưa có những dự báo về yêu cầu ban hành với cân đối khả năng nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra. Thực tế qua đánh giá các nghị quyết đã ban hành cho thấy: việc ban hành còn dàn trải, thiếu tính khả thi, có nghị quyết chậm đi vào thực tiễn và khó thực hiện. Quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra còn hình thức, thiếu thông tin; cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ chú trọng đến tính đại diện hình thức, thiếu sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và ý kiến của nhân dân, nhất là đối tượng liên quan đến nội dung của nghị quyết. Một số nghị quyết sau khi ban hành phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện mới đi vào cuộc sống, hoặc có nghị quyết vừa mới ban hành đã phải xem xét, sửa đổi, bổ sung. Một số văn bản chứa QPPL lại được ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt, hoặc văn bản không chứa đựng QPPL lại ban hành văn bản dưới hình thức văn bản QPPL…

Khắc phục tình trạng ban hành văn bản QPPL chưa thực sự khoa học, dàn trải, thiếu tính khả thi, chậm đi vào cuộc sống… Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND, Đoàn ĐBQH và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành quy chế phối hợp hoạt động; quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tham gia xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND nhằm góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL.

Quy chế đã xác định rõ trách nhiệm của Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc xây dựng nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh. Cụ thể, về xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh: tuy luật không quy định HĐND phải lập chương trình xây dựng văn bản QPPL, nhưng quy định trước ngày 10.10 hàng năm, UBND tỉnh phải đăng ký nội dung trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết gửi Thường trực HĐND. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với UBND tỉnh, mời các ban HĐND tỉnh, các ngành chức năng của UBND tỉnh có nội dung chủ trì soạn thảo họp thống nhất dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết năm sau, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện, phân công cơ quan chuyên môn soạn thảo, lấy ý kiến của MTTQ, các tổ chức liên quan, đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhân dân (nếu có) tham gia, thẩm định và trình HĐND theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh. Đối với các nội dung do UBND trình HĐND tỉnh chưa đủ căn cứ pháp lý, chất lượng văn bản thấp, Thường trực HĐND tỉnh kiên quyết để lại không trình HĐND tỉnh xem xét thông qua. Các ban HĐND tỉnh có trách nhiệm tiếp cận các nội dung sẽ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để chủ động thu thập tài liệu, phục vụ công tác thẩm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết. MTTQ tỉnh tham gia góp ý, giám sát hoạt động soạn thảo nghị quyết và tổng hợp ý kiến góp ý về Thường trực HĐND tỉnh.

Chậm nhất sau 30 ngày HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định, hướng dẫn để thực hiện nghị quyết. Quá trình thực hiện nghị quyết có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, UBND tỉnh có trách nhiệm tổng hợp và xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh xem xét, trả lời, khi cần thiết báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, chỉ đạo thành viên MTTQ phối hợp với Tổ đại biểu tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, nhân dân thực hiện nghị quyết; các ban HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Đối với việc xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh: Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ có trách nhiệm tham gia, đóng góp trên cơ sở dự thảo của UBND gửi chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và phân công, chỉ đạo các thành viên tham gia giám sát quy trình xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh, đồng thời UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét, tiếp thu ý kiến của Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh.

Do có Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh, việc thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế; đưa công tác xây dựng văn bản pháp luật ở địa phương đi vào nền nếp, tạo sự chủ động cho cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành và thông qua văn bản, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua văn bản.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn cho công tác này, Chính phủ cần sớm tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 để trình Quốc hội xem xét cho hợp nhất với Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 thành một Luật chung về ban hành văn bản QPPL để thống nhất thực hiện.

Nguyễn Xuân Sơn
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc