Quảng Ninh:

Xác định đúng lợi thế, quyết liệt triển khai

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:07 - Chia sẻ
Cuối tuần qua, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và 2045. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, một điểm sáng có tính đột phá của Quảng Ninh đó là xác định đúng lợi thế, có triết lý phát triển và quyết liệt trong triển khai.

Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua, Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 11,1%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2018 đạt 5.110 USD, gấp 1,3 lần so với 2015; dự kiến năm 2020 đạt 6.535 USD, gấp 1,68 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 đạt 117.162 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 201.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa tăng bình quân 12,6%/năm. Đặc biệt, năm 2018, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 11,1%, cao nhất trong 6 năm gần đây; tổng thu NSNN đạt trên 40.548 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015.


Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn là một trong những đột phá về cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, từ 43,4% (năm 2015) lên 44,8% (năm 2018) và dự kiến tăng 48% vào năm 2020. Công nghiệp giảm từ 53,4% (năm 2010) xuống còn 50,2% (năm 2015) và 49,2% (năm 2018); dự kiến còn 47% vào năm 2020. Nông nghiệp giảm từ 8,7% (năm 2010), xuống còn 7,3% (năm 2015) và 6% (năm 2018); dự kiến còn 5% vào năm 2020.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược, Quảng Ninh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan tỏa cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai đầu tư theo hình thức PPP với 44 dự án, tổng số vốn 47.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2018 đạt 183.654 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt 340.850 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so giai đoạn 2011 - 2015.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2020 xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước...; Quy hoạch lại không gian phát triển Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Tâm là TP Hạ Long - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh; có vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên mới thế giới; và nằm trong khu vực phát triển cụm cảng biển quốc tế Quảng Ninh - Hải Phòng. Hai tuyến gồm: Tuyến hành phía Tây sẽ phát triển chuỗi đô thị công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử dọc theo các tuyến đường từ Hạ Long đi Hà Nội, Hải Phòng; tuyến hành lang phía Đông tập trung phát triển hai Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái…

Để tiếp tục là đầu tàu kinh tế phía Bắc

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao 5 điểm sáng có tính đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, đó là: Đánh giá, xác định đúng được các lợi thế phát triển của tỉnh, có triết lý phát triển và quyết liệt trong triển khai; làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, năng động, sáng tạo luôn đổi mới, đi đầu trong xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế, sắp xếp và tinh gọn và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước; có đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xác định đúng và phát triển mạnh mẽ những cực phát triển để tạo lan tỏa dẫn dắt.

Thời gian tới, để Quảng Ninh tiếp tục là cực tăng trưởng của phía Bắc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá, giám sát triển khai các mô hình mới đã được áp dụng triển khai trên địa bàn, trên tinh thần bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thông suốt của Đảng kết hợp hệ thống hành chính phải thống nhất. Cùng với đó, đặt Quảng Ninh trong tổng thể liên kết vùng, trong sự phát triển của vùng và cả nước để thấy được lợi thế so sánh và phát huy được các lợi thế của mình. Phân tích, đánh giá được những tác động của việc tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp; phát huy, khai thác hiệu quả lợi thế phát triển hệ thống cảng biển, logistics; đi đôi với phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, cần quan tâm phát triển ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, có trình độ khoa học công nghệ cao; đổi mới công tác quản lý du lịch để tăng thu cho NSNN; duy trì, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế phải có tầm nhìn, không được nóng vội, dựa trên lợi ích lâu dài của địa phương, quốc gia, dân tộc - Trưởng ban Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Thành Nam