“Bức tranh” ngân sách nhà nước 2018

Vượt thu cao nhưng chưa bền vững

- Thứ Tư, 22/05/2019, 07:48 - Chia sẻ
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2018 đã được Chính phủ báo cáo và QH thảo luận vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, phải tới kỳ họp này, bức tranh ngân sách mới rõ hơn khi có số liệu chính xác chứ không còn là “ước đạt”. Điểm sáng, như thường lệ vẫn là thu ngân sách vượt dự toán khá cao (8%), “khác thường” là bội chi thấp hơn dự toán; điểm tối vẫn là nguồn thu không bền vững và kỷ luật tài chính chưa được chấp hành nghiêm.

Vượt thu 66,5 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện vượt 8% so với dự toán, tăng 66,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội và tăng 10,7% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu viện trợ không hoàn lại đều vượt dự toán và vượt số báo cáo Quốc hội khá cao. Đặc biệt, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước qua thuế và phí cũng vượt dự toán 0,01 điểm phần trăm, đạt 21,1% GDP. Đây cũng là năm đầu tiên của giai đoạn 2016 - 2018 thu ngân sách trung ương vượt cao so với dự toán. 

Trong báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2018, triển khai dự toán NSNN năm 2019, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, năm ngoái kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đạt mức cao nhất kể từ 2008 trở lại đây (7,08%), huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng… nên thu NSNN quý IV tăng khá. Điều này dẫn đến kết quả thu năm 2018 tăng cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, chuyện thu ngân sách vượt dự toán ở đây có tính 2 mặt. Một mặt, đây là điểm sáng, cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, điều hành, trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó ngân khố quốc gia có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy, khâu lập dự toán ngân sách rõ ràng “có vấn đề”, không sát với thực tế. Theo phân tích của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chỉ trong quý IV.2018, số thu ngân sách đã vượt 66.514 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, bằng 62,9% số vượt thu NSNN cả năm. Điều này cho thấy, việc ước thực hiện tại thời điểm báo cáo QH (tháng 10.2018) là chưa sát, đồng thời cũng chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm. Ngân sách và dự toán không phải là trò chơi của những con số, vì thế, Chính phủ phải rút kinh nghiệm và “cần nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo để có cơ sở chắc chắn bảo đảm cho việc xây dựng dự toán thu NSNN trong những năm tiếp theo” như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo thẩm tra.

Nguồn thu bấp bênh

Mặc dù tổng thu NSNN vượt dự toán khá lớn, song nhìn vào số thu từ các khu vực có thể thấy rõ sự bấp bênh và thiếu bền vững vì phần vượt thu chủ yếu là từ nhà, đất và dầu thô.

Cụ thể, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các khoản thu về nhà và đất có số tăng lớn so với dự toán và số báo cáo QH, chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 72,4% trong tổng số vượt thu NSNN. Các khoản thu này không ổn định, lâu dài, nên không bền vững cho cân đối ngân sách của địa phương. Tiếp đó, thu từ dầu thô vượt 30,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 11 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc tăng thu do giá dầu thô tăng (1,6 USD so với số báo cáo Quốc hội) và tăng sản lượng khai thác (tăng 240 nghìn tấn so với số báo cáo Quốc hội), phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường thế giới, bao gồm cả nhu cầu sử dụng dầu thô và yếu tố chính trị tác động. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng khai thác so với số báo cáo Quốc hội cần được xem xét thêm trong khi việc khai thác loại tài nguyên không tái tạo này có yếu tố chủ động và có căn cứ khả thi khi xây dựng dự báo về sản lượng dầu thô hàng năm.

Đặc biệt đáng chú ý là số thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh đều giảm so với số báo cáo QH. Điều này cho thấy, ngoài việc Trung ương giao thu cao hơn so với thực tế thì tình hình sản xuất kinh doanh của nội tại nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, bấp bênh, sức cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh tuy được nâng cao song chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định. Bên cạnh đó, trong quản lý thu ngân sách, vẫn còn tình trạng thất thu thuế do các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, thất thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

Ngân sách địa phương không có bội chi

Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN sau khi đánh giá lại, giảm 12,5 nghìn tỷ đồng so với mức báo cáo QH, ở mức 191,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán đã được Quốc hội quyết định (3,7% GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 191,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, ngân sách địa phương không có bội chi (bội chi ngân sách địa phương giảm 9 nghìn tỷ đồng so với dự toán được QH quyết định). Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong điều kiện nhu cầu chi còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách phát sinh thì việc kiểm soát bội chi thấp hơn so với dự toán đã “thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành NSNN”.

Tuy vậy, qua giám sát và làm việc tại địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận thấy một số cơ quan, đơn vị vẫn sử dụng các nguồn kinh phí được giao không đúng quy định, chi vượt chế độ, vượt định mức, vượt tiêu chuẩn quy định; chưa khắc phục được bệnh phô trương, hình thức, lãng phí; chưa chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ban hành chính sách mới (để thực hiện giảm nghèo, chế độ tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, các chính sách giáo dục người khuyết tật, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc rất ít người…) nhưng chưa có nguồn thực hiện.

Hà Lan