Tản mạn

Vượt qua đại dịch

- Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:31 - Chia sẻ
Cuộc đời mỗi con người chính là chuỗi ngày học hỏi để bước qua những sợ hãi, thích nghi với những bất thường, làm quen với vô thường…

Những ngày này, âm thanh của nhà hàng xóm với nhà tôi giống hệt nhau. Con muốn ăn sáng món gì? Con gấp chăn màn, con học bài chưa? Con rửa bát, quét nhà đi. Con rửa tay thật sạch vào!…
Tối thứ sáu tuần trước, khi thành phố Hà Nội họp khẩn và cách ly phố Trúc Bạch vì một ca lây nhiễm COVID-19, tôi cũng như bất kỳ cư dân nào của thành phố thức canh từng dòng tin cho đến khi mệt đờ đẫn.

7h sáng hôm sau, chuông báo thức, tôi lao ngay ra siêu thị mua lương thực thực phẩm như bất cứ gia đình nào. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, phương châm đó lớn hơn tất thảy. Đằng nào nhà cũng chẳng còn gì để ăn.

Ngoài siêu thị, lác đác người bắt đầu nhặt đồ. Chẳng ai nói gì, chỉ nhặt, có liếc nhìn nhau, ánh mắt ai nấy đều thông cảm. Nhặt cái gì là cả vấn đề, đã bao giờ có kinh nghiệm này đâu. Thôi thì gạo, dầu, mắm muối, giấy vệ sinh… Chẳng còn một chiếc xe đẩy nào, tôi cũng chỉ lấy được một lượng nhất định.

Về đến đầu ngõ, một ông hàng xóm lạ nhìn thấy tôi reo lên: “Á à, tích trữ nhé!”. Hơi ngượng, chẳng nói gì, tôi phi vội xe vào ngõ, vứt đống đồ vào sân, quay trở lại siêu thị để mua đồ tươi, lúc này siêu thị đã đầy người, ai nấy xe lớn xe bé.

Mệt quá, quay trở về nhà tay không. “Con ơi có bánh trong tủ đấy, lấy ra mà ăn sáng đi, mẹ đi ngủ đây”. Cơn mệt mỏi, hồi hộp từ cả đêm hôm trước đổ ập xuống cơ thể. Tôi nằm luội đi đến tận 11h trưa mới dậy được để nấu cơm cho con.

Cả ngày hôm đó là cuộc chat bất tận của những con người lần đầu tiên sống trong cảnh đại dịch. Một cảm giác quá mới mẻ, chưa từng xảy đến trong cuộc đời.

Thật lạ là ngoài cảm giác lo lắng, còn có cả… hào hứng, bởi ta đang tham gia vào một sự kiện có một không hai trong đời.

Cô bạn thân đến cuối ngày mệt lả vì làm việc suốt từ đêm 6/3 đến giờ. Cô ấy là nhóm người nắm được thông tin đầu tiên, nhưng chẳng thể ra được siêu thị mua được hàng hóa.

Cô nàng hài hước nói đã bỏ mất cơ hội ra siêu thị mua giấy vệ sinh để tìm người yêu (như câu chuyện cô gái Nhật báo chí đăng tải). “Cuộc đời tôi lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ tôi, tôi tin tưởng bà sẽ lo được”, cô nàng mệt mỏi nói. “Cô yên tâm, ngoài mẹ, còn chúng tôi lo cho cô, chúng tôi sẽ không để cô đói”, bọn tôi nói.

Tôi cũng nhận được câu nói tương tự từ đứa bạn thân khác của mình: “Bạn yên tâm, chúng mình đói khổ có nhau. Bạn cần mua gì không, tớ đang ở quê, tớ vác lên cho”. Cả ngày thứ 7 tuần trước, tôi dành thời gian gọi điện cho người thân và nhận nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm của người thân, bạn bè thân thiết. Cuộc đời những ngày này thu bé lại ở chiếc điện thoại, thứ kết nối ta với mọi người. Âu cũng là một cách giải trí cho qua ngày.

Đây là những ngày đầu dịch, khi nguồn lực vẫn còn, khi lòng thiết tha mong mỏi chung sống, chia sẻ với nhau vẫn còn. Dẫu vậy, nhà nào nhà nấy vẫn đổ xô đi tích trữ lương thực thực phẩm. Nhiều người tỏ ra thất vọng và rủa xả đám đông, rồi nói người Việt này kia.

Tích trữ là phản ứng của người dân. Nhìn sang mấy nước phát triển hơn cũng thấy người dân họ phản ứng y hệt như vậy. Mắc gì chửi bới người mình. Những ai càng học rộng, hiểu sâu thì càng phải hiểu cơ chế của xã hội, càng phải biết thông cảm với số đông và hiểu vì sao họ hành động như vậy.

Nói gì thì cũng vậy thôi, trước đại dịch, chẳng ai dám nói mạnh. Nếu tình hình trở nên khó khăn hơn, đương nhiên sự quan tâm của mỗi người sẽ thu nhỏ lại vừa với gia đình họ. Nếu tình hình khắc nghiệt hơn nữa, hãy sẵn sàng đối phó với những chuyện tệ hại xảy ra.

Xã hội mà, luôn có những người sẽ sẵn sàng bằng mọi giá để bảo đảm miếng ăn cho gia đình, cho bản thân mình. Nhưng cũng sẽ vẫn có những người chiến đấu giữ vững nhân tính của mình, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Chẳng ai biết mình sẽ là người vì miếng ăn, hay vì nhân tính trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

Cô con gái bé nhỏ của tôi đã chán ngấy phải nghỉ học. Có một hôm, khi tôi dạy nó cách phòng chống Covid-19, nó bảo Tết con về quê ngày nào ông ngoại cũng bật thời sự, tối nào bà ngoại cũng nói về corona làm con không ngủ được. Buổi tối mẹ nên đọc truyện cổ nước Nam cho con dễ ngủ. Con phát hiện ra là chỉ cần không nghe bản tin thời sự, con chẳng còn thấy sợ corona nữa. Tôi phì cười vì phản ứng của nó trước đại dịch. Đó là phản ứng rất bình thường khi con người sợ hãi.

Cuộc đời mỗi con người chính là chuỗi ngày học hỏi để bước qua những sợ hãi, thích nghi với những bất thường, làm quen với vô thường. 

Ngọc Diệp