Vướng ở đâu?

- Chủ Nhật, 10/06/2018, 08:22 - Chia sẻ
Hai nghìn trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành mỗi năm, trong đó 1.300 -1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục là con số được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công bố trước Quốc hội. Thế nhưng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nhiều vụ việc cơ quan chức năng chậm vào cuộc, chỉ khi có ý kiến dư luận, trẻ tự tử, lãnh đạo chỉ đạo… mới khởi tố vụ án. Vậy nếu dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không chỉ đạo, các vụ án sẽ “trôi” về đâu?

Nhận định thực tế các cơ quan chức năng có những khó khăn khách quan nhất định trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em, bởi dấu vết phạm tội sẽ mất dần theo thời gian. Song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, cũng có những vụ việc mà nhà chức trách không hề tích cực giải quyết. Một số vụ án nổi cộm gây bức xúc dư luận thời gian qua như ở Cà Mau, các cơ quan chức năng đã làm ngơ cho đến khi cháu bé bị xâm hại tự tử. Hay vụ án dâm ô trẻ em tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cấp sơ thẩm tuyên án 3 năm tù nhưng cấp phúc thẩm lại giảm xuống còn 18 tháng án treo.

Vậy đâu là nguyên nhân của việc chậm trễ xử lý, “bỏ lọt” hành vi phạm tội, dù Bộ trưởng Bộ LĐ, TB - XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý hành vi xâm hại trẻ em”? Thực tế, sự “đơn độc” của gia đình các nạn nhân được phản ánh rõ trong hai câu chuyện trên, Chủ tịch Nước có ý kiến, Thủ tướng chỉ đạo mới có thể xử lý. Nhiều luật sư cũng cho rằng, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xử lý rất chậm bởi vướng nhiều “nút thắt”. Do một bộ phận cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng quá thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và quyết định xử lý tội phạm. Trong các vụ việc đã xảy ra, luôn đòi hỏi dấu vết vật chất để lại trên thân thể người bị hại thì mới tiến hành khởi tố bị can. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị kéo dài, thậm chí không thể xử lý.

Bên cạnh đó, hệ thống thu thập tin báo về tội phạm, vi phạm tư pháp ở địa phương nhiều nơi chưa thực hiện tốt. Theo thống kê hiện có 57 văn bản luật và dưới luật liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, nhưng thử hỏi có bao nhiêu cán bộ làm công tác trẻ em ở phường, xã nắm được hết nội dung những văn bản này để áp dụng? Cuối năm 2017, tổng kết Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho thấy, trong 5 năm qua, Hà Nội không hề xử phạt trường hợp nào. Báo cáo các địa phương khác cũng tương tự, hầu như không có xử lý hành chính, chỉ khi lên đến mức xử lý hình sự mới vào cuộc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi quy trình, nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bởi loại tội này mang tính đặc thù nên phải có một quy trình, cách xử lý riêng. Đây là những vụ án khá đặc biệt, bằng chứng mất dần theo thời gian. Do vậy vấn đề tiếp cận, xử lý tin báo, tố cáo cần xem xét nhanh, tích cực mới có được bằng chứng để có kết tội… Để làm được điều này, không chỉ cần quyết tâm của 17 cơ quan chịu trách nhiệm về trẻ em mà còn cần những giải pháp đủ mạnh, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, “trong số 17 cơ quan phải có một nhạc trưởng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thì rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp xử lý”. Hy vọng theo đó sẽ chỉ rõ được trách nhiệm thuộc về cá nhân, cơ quan nào chậm hoặc không có biện pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em.

Chi An