Vướng nhận thức, khó thực thi

- Thứ Tư, 10/10/2018, 07:48 - Chia sẻ
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, thực tế hiện nay, nước đóng bình “nhìn thì dễ” nhưng công tác quản lý hết sức khó khăn, nhất là khi nhận thức của người dân và cơ sở sản xuất về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) chưa cao.

Rào cản nhận thức

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội Trần Ngọc Tụ nhận định, không phải tất cả các cơ sở sản xuất đều có quy mô vừa hoặc lớn mà nhiều cơ sở quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP, một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành quy định pháp luật. Đáng nói là, nước đóng bình tại một số nơi được tái sử dụng và không chú trọng công tác vệ sinh. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên rất khó bị phát hiện. Có những cơ sở thôi không hoạt động nữa hay chỉ sản xuất thử cũng không có báo cáo với cơ quan quản lý.

Đồng tình với quan điểm đó, Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Khuất Thị Dung cho biết, nhiều cơ sở qua theo dõi thấy đã ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng không thông báo, không làm thủ tục giải thể nên trong danh sách quản lý của thành phố vẫn còn. Một số cơ sở thông báo ngừng hoạt động, đoàn kiểm tra của quận và phường đã nhiều lần đến nhưng đều đóng cửa, không liên lạc được với chủ cơ sở, vì vậy không kiểm tra, xác minh được thực tế có ngừng hoạt động không.

Cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân trong việc bảo đảm ATTP
Nguồn: ITN

Không những thế, nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định bảo đảm ATTP vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng; không bảo đảm về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường (diện tích chật hẹp, sử dụng chung với sinh hoạt gia đình). Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề tồn tại như việc tái sử dụng, nhiều vỏ bình để lâu có rêu mốc, khiến nước không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Nhân viên các cơ sở thường xuyên thay đổi, không nắm được các quy định về sản xuất.

Song, theo Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 Đỗ Chí Linh, nhiều khi chính người tiêu dùng hoặc vô tình hoặc hữu ý trở thành “đồng phạm” tiếp tay cho cho việc tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Không ít người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình.

Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết thêm, có một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều cơ quan, đơn vị, trường học... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm. Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành.

Vướng trong thực thi nhiệm vụ

 Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm của cơ sở sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Không những thế, cần công khai vi phạm trên phương tiện truyền thông để người dân nắm rõ.

Đại diện một số địa phương cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc bảo đảm ATTP đó là phần lớn các xã, thị trấn đều giao nhiệm vụ công tác ATTP cho Trạm y tế xã nên dễ dẫn tới tình trạng quá tải. Đơn cử như huyện Thanh Trì nơi có mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều nan giải. Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của người dân về ATTP chưa cao, biến động dân cư lớn do đó công tác bảo đảm ATTP gặp nhiều thách thức.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hương thông tin, nước uống đóng chai, đóng bình là mặt hàng rất dễ kiểm tra vì đã có tiêu chuẩn hợp quy. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cơ sở diện tích sản xuất rất chật hẹp do chưa có quy định cụ thể về diện tích cơ sở là bao nhiêu? Bên cạnh đó, số cơ sở cần kiểm tra lại rất lớn; số tiền xử phạt không cao do giá trị hàng hóa thấp; việc thu hồi sản phẩm khó khăn, không kịp thời, vì cần thời gian kiểm nghiệm. Điều này cũng gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa thực sự tốt, còn nhiều bất cập, chưa khoa học, chưa hợp lý. Các chế tài, biện pháp xử lý đối với các cá nhân tổ chức vi phạm còn chưa nghiêm minh và chưa đủ sức răn đe.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khẳng định, công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố cần có sự phối hợp của cơ quan báo chí, nhằm thông tin về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ATTP đến tận phường, xã, mỗi người dân có thể thông tin tới cơ quan quản lý về cơ sở không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, xin ý kiến của các chuyên gia, nhằm giúp cải thiện công tác quản lý về ATTP.

Dương Cầm