Vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

- Thứ Bảy, 20/10/2018, 08:00 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có hơn 2,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Những quy định mới về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đã tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh. Song, các cơ sở y tế lại gặp vướng mắc liên quan tới gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả.

Người dân hưởng lợi

Từ 15.7, Thông tư số 15/2018/TT - BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp đã chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định điều chỉnh giảm 70 mức giá khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Cụ thể, dịch vụ khám bệnh giảm đối với các tuyến trên toàn quốc như giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I sẽ giảm từ 39 nghìn đồng/lần khám xuống còn 33,1 nghìn đồng/lần khám; bệnh viện hạng II từ 35 nghìn đồng xuống còn 29,6 nghìn đồng/lần khám. Ngoài ra, các dịch vụ khác như siêu âm, chụp X - quang, chụp cắt lớp (CT scanner), các thủ thuật và dịch vụ nội soi, điều trị y học dân tộc, phục hồi chức năng, giá ngày giường bệnh cũng được điều chỉnh giảm.

Người dân khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai  Nguồn: ITN

Theo bà Nguyễn Thị Lành (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), những năm gần đây, bà thường xuyên phải đi khám bệnh BHYT, trong đó nhiều lần phải nằm viện điều trị bệnh thường gặp như đau nhức xương khớp, chóng mặt, huyết áp. Có những dịch vụ người bệnh phải đồng chi trả một phần với BHXH nên rất tốn kém. Bà Lành cho rằng, sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt với những người lớn tuổi, có thu nhập thấp.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Quy khẳnh định, Thông tư 15 khi được áp dụng vào thực tiễn mang lại những lợi ích thiết thực, nhất là những người đang hưởng thụ trực tiếp các dịch vụ BHYT. Với thông tư này, các cơ sở y tế phải bố trí nhân lực, bàn khám để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đối với các bàn khám trên 65 lượt khám/ngày, cơ quan BHXH thanh toán 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa một quý thì từ lượt khám thứ 66 trở lên, cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh.

Vướng tại cơ sở khám, chữa bệnh

 Với hơn 2,4 triệu người tham gia BHYT, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành phố cả nước còn dư quỹ BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn liên tục tăng trong những năm qua, từ 70,6% năm 2015 lên 77,2% năm 2016 và 81,5% năm 2017, dự kiến năm 2018 sẽ tăng lên 84,5% và mục tiêu đến năm 2020 là 90%.

Mặc dù vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, cũng khiến một số cơ sở y tế gặp khó. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm, một trong những khó khăn mà các cơ sở khám, chữa bệnh đang gặp phải là hiện có rất nhiều văn bản pháp luật về y tế, lại thường xuyên thay đổi. Không ít văn bản ra đời nhưng chỉ tới khi cơ quan BHXH xuất toán thì các đơn vị ở cơ sở mới biết để cập nhật. Cụ thể, như việc thay đổi giá thanh toán BHYT, khi bệnh nhân vào viện vẫn còn áp dụng giá cũ nhưng khi ra viện lại áp dụng giá mới. Trường hợp này bệnh viện phải nhập thanh toán chế độ bảo hiểm bằng phương pháp thủ công chứ không thể sử dụng phần mềm thanh toán.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Biên Hòa Trần Văn Lê Liêm cũng chỉ ra thực trạng, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị, dùng các loại thuốc tại các bệnh viện hạng I, II. Đến khi về các bệnh viện hạng III như Trung tâm y tế TP Biên Hòa thì lại không có các loại thuốc đó, rất khó khăn cho việc điều trị. Nguyên nhân là do theo quy định theo Thông tư số 39/2017/TT - BYT, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả tại tuyến y tế cơ sở chỉ bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 loại thuốc, quá ít so với nhu cầu của người dân, dẫn đến việc các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh BHYT.

Đơn cử tại Trạm y tế phường Phú Bình (thị xã Long Khánh), trung bình mỗi ngày có khoảng 15 lượt bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, theo Trưởng trạm Nguyễn Thị Thu Nguyệt, có những loại thuốc cơ bản nhưng khi cần lại không có vì không thuộc danh mục thuốc bảo hiểm cấp như thuốc điều trị tiền liệt tuyến, u xơ tử cung… Do vậy, buộc trạm y tế phải làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để bệnh nhân khám và lấy thuốc điều trị. Chưa kể, quy định mỗi toa thuốc bảo hiểm có giá không quá 200.000 đồng/lần cũng ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ chia sẻ, sự “lệch pha” trong danh mục kỹ thuật chuyên môn và danh mục để tính giá thanh toán BHYT, danh mục theo loại thủ thuật, đã ít nhiều gây khó dễ cho các bệnh viện. Để giải quyết những vướng mắc này, cơ quan BHXH có thể thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới, chứ không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế tối đa chỉ bằng 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú như hiện nay.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm, hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên, đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán. Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở, giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan đến sử dụng quỹ BHYT.

Nguyễn Thúy