Tản mạn

“Vườn trong phố”

- Thứ Ba, 04/06/2019, 08:00 - Chia sẻ
Nhìn vào độ che phủ cây xanh của Singapore, đến 2010, nó đã đạt con số 50% và mật độ đô thị thì hẳn là cao hơn Hà Nội rất nhiều, đường sá, hạ tầng nhân tạo cho giao thông và hậu cần có kích thước gấp 7 lần Hà Nội, ngay từ đầu những năm 2000...

Cách đây đúng 56 năm, ngày 16.6.1963, có một Thủ tướng ở quốc gia nọ đã khởi động chương trình có tên Garden City. Nó là khởi đầu của kế hoạch “Garden in the City” (Vườn trong phố) tại Singapore. 

Bước ra khỏi chiến tranh năm 1955 thì năm 1956, Singapore thành lập Ủy ban Đô thị (URA) và Ban Quản lý Nhà ở (HDB). URA và HDB là hệ thống kỷ luật thép được điều hành dưới chỉ đạo của Lý Quang Diệu. Và chỉ 7 năm sau, kế hoạch “Garden in the City” đã được phê duyệt. Vào cái thời mà cả châu Á đang vùng lên phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu và xây dựng đô thị hạ tầng lớn thì chỉ một mình Singapore dành quan tâm đến phát triển nền tảng đô thị - xã hội - kinh tế dựa trên vốn tài nguyên được xác định là bằng “0”. Nó cho thấy điều cần có ở một lãnh đạo, đó là tầm nhìn. Lý Quang Diệu đã nhìn thấy cái đích đến của kiểu hình siêu đô thị mật độ cao từ những ngày đó. Nó đã làm Singapore hoàn toàn khác Hong Kong hay Hà Nội, dù rằng các thành phố này có sự tương đồng về bối cảnh lịch sử ở xuất phát điểm ngay sau giai đoạn thuộc địa. 

Tất nhiên, để cho ra được kế hoạch dẫn dắt đất nước trong gần 70 năm qua thì nhà lãnh đạo ấy không chỉ dừng ở việc hô hào khẩu hiệu. Kế hoạch ấy đã được xây dựng tỉ mỉ với các trọng tâm tập trung vào: Nhà ở, Kinh doanh, Nhu cầu xã hội, Mật độ, Nhu cầu tái sản xuất, Kế hoạch cho các khu vực tiếp giáp mặt nước (waterfront), Kế hoạch hàng không, Vấn đề chất thải trong không khí và các vấn đề liên quan đến quốc phòng… Cho đến nay, người ta coi “Garden in the City” là một học thuyết xã hội chứ không đơn thuần là việc trồng cây, thay cây.

Trồng cây - thay cây trong “Garden in the City” được quy định bởi luật và quy chuẩn quản lý cây trồng đô thị cụ thể, gồm: Cây trồng ở khu vực có tòa nhà, Cây trồng dọc đường, Cây trồng trong khu vực dự trữ đất, Cây trồng trong khu vực lõi sinh thái bảo tồn, Cây trồng tạo đa dạng sinh học trong thành phố. Dựa vào phân loại này mà Singapore đã cho ra đời các đạo luật về ứng xử với cây cối trong đô thị. Ứng xử cũng rất đơn giản. Ví dụ: Tòa nhà mà thiếu tỷ lệ cây trồng thì không được gọi là “tòa nhà”. Đường sá mà thiếu bóng mát của cây thì không gọi là “đường xá”, ngã tư ngã ba không có cây tỏa bóng cho người đứng đợi đèn đỏ thì không gọi là “nút giao thông”... 

Nhìn vào độ che phủ cây xanh của Singapore, đến 2010, nó đã đạt con số 50% và mật độ đô thị thì hẳn là cao hơn Hà Nội rất nhiều, đường sá, hạ tầng nhân tạo cho giao thông và hậu cần có kích thước gấp 7 lần Hà Nội, ngay từ đầu những năm 2000. Và trong khi Hà Nội đang bàn chặt cây, thay cây, thì học thuyết “Garden in the City” (Vườn trong thành phố) của Lý Quang Diệu đã có bước tiến trở thành “City in the Garden” (Thành phố trong Vườn). Nó biến Singapore trở thành quốc gia đầu tiên có thể áp dụng Smartcity trên nền tảng kinh tế chính trị và hạ tầng theo lý thuyết của ETHZ và MIT. Và như thế chúng ta gọi là “Phát triển”.

KTS Lê Quang (từ Berlin)