Vững bước trên con đường đổi mới

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 09:19 - Chia sẻ
Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có khu căn cứ Cổ Văn với đội du kích áo chàm, huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn tự hào là một trong những điểm sáng về lòng yêu nước của nhân dân miền núi Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đang tiếp tục phấn đấu xây dựng một Lục Yên ngày càng năng động, phát triển, xứng tầm với khí thế oai hùng, với bề dày truyền thống cách mạng.

Âm vang truyền thống cách mạng

Để phấn đấu xây dựng Lục Yên trở thành huyện có nền kinh tế vững mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, phát triển kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh và bền vững, nhất là lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra…

Bí thư Huyện ủy Lục Yên Hoàng Hữu Độ

Những ngày đầu thu, chúng tôi tìm về Lục Yên - nơi thành lập căn cứ kháng Nhật từ rất sớm. Đi dọc tuyến đường đến trung tâm huyện, đâu đâu cũng thấy rực rỡ sắc cờ hoa và băng rôn khẩu hiệu đỏ thắm. Một không khí vui tươi, náo nức chào đón ngày Tết Độc lập đang tràn ngập. Lục Yên sau bao năm gồng mình chống trọi với chiến tranh, bom đạn giờ đây đã thay áo mới!

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Đạt Lam bồi hồi kể: Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của các dân tộc trên địa bàn huyện Lục Yên. Tháng 4.1945, với ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, lòng căm thù giặc sâu sắc, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Yên đã xây dựng được hệ thống cơ sở cách mạng và căn cứ Cổ Văn ra đời. Đây là một minh chứng sinh động về lòng yêu nước của người dân địa phương. Và cũng từ mốc son đó, đến tháng 4.1947, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra nghị quyết thành lập Ban Huyện ủy Lục Yên. Việc thành lập Ban Huyện ủy Lục Yên đã đánh dấu bước trưởng thành của tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp tinh thần yêu nước của nhân dân bùng lên thành bão lửa bất diệt, lật đổ ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, hun đúc lên truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, đoàn kết các dân tộc.

Trải qua năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lục Yên luôn tự hào đã đóng góp một phần công sức không nhỏ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Lúc bây giờ, Lục Yên là huyện đóng góp nhiều nhất của tỉnh Yên Bái về sức người, sức của. Tiễn đưa trên 1.700 thanh niên tòng quân ra mặt trận đánh giặc lập công. Từng đoàn dân công Lục Yên hòa cùng dòng người hối hả ra trận, đóng góp trên 3 triệu ngày công mở đường phục vụ các chiến dịch, hơn 350 công thuyền, trên 1.600 xe thồ vận chuyển 300 tấn gạo vượt hàng trăm cây số đến mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lục Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa sản xuất với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đặc biệt, có trên 5.300 người con ưu tú của quê hương nối tiếp truyền thống ông cha lên đường cầm súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Ngoài sức người, Lục Yên còn chi viện cho tiền tuyến lớn trên 7.000 tấn lương thực, gần 3.000 tấn thực phẩm; trên 1 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, góp phần công sức cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối. Chính những đóng góp to lớn đó và thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Lục Yên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.


Không khí vui tươi, cờ hoa rực rỡ trên tuyến đường trung tâm huyện Lục Yên những ngày thu độc lập
Ảnh Xuân Việt

Khơi thông tiềm năng, thế mạnh

Tự hào về quá khứ, người dân Lục Yên hôm nay đang cùng nhau nối tiếp truyền thống yêu nước của cha ông, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bí thư Huyện ủy Hoàng Hữu Độ chia sẻ: Để Lục Yên vững bước đi lên trở thành huyện khá của tỉnh, nhiều năm qua, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về chỉ đạo và giúp đỡ các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, Lục Yên đã dồn lực cho chương trình xây dựng NTM đến từng xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống của người dân. Đến nay, toàn huyện có 4 xã và 3 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,2 triệu đồng/người/năm thì nay đã tăng lên gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,76%.

Với thâm niên 50 năm tuổi Đảng, ông Triệu Quang Vân (dân tộc Tày, xã Khánh Thiện) cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân thường xuyên rơi vào tình cảnh “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, đường giao thông lầy lội, chủ yếu là đường cấp phối nên việc di chuyển, giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Nhờ các chương trình, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, đường về các thôn, bản đã được bê tông hóa, sóng điện thoại được phủ kín, các cháu trong độ tuổi đã được đến trường. “Đáng mừng hơn, tư duy của bà con đồng bào đã thay đổi rõ rệt. Nếu như trước kia, bà con sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp thì giờ đây đã biết liên kết với nhau, đưa những giống cây, con mới vào canh tác. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.” - ông Vân phấn khởi chia sẻ.

Lục Yên hôm nay như cô gái đang tuổi “dậy thì” với sức sống mãnh liệt và bền bỉ hơn. Đi qua từ những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh để bước vào thời kỳ đổi mới, Lục Yên đã biết tận dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Hoàng Hữu Độ cho biết: Huyện xác định công nghiệp là khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bởi vậy, những năm qua, Lục Yên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, mở rộng sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có hàng chục công ty, doanh nghiệp đi vào hoạt động khai thác ổn định, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, tạo hàng trăm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Từ hơn 420 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong năm 2012, sau 7 năm, giá trị đó đã tăng gấp 4 lần đạt trên 1.600 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, với lợi thế sở hữu nhiều di tích, danh thắng, Lục Yên chú trọng khai thác sâu vào lĩnh vực du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng, như: Quần thể Hắc Y - Đại Cại, đền Suối Tiên; khai thác có hiệu quả địa danh núi vua Áo Đen (xã Tân Lĩnh); các điểm du lịch Chùa Hang São, bình nguyên xanh Khai Trung. Để phát triển ngành công nghiệp không khói này, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, huyện định hướng, hỗ trợ cho người dân mở rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu các nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Đến nay, toàn huyện đã có 3 bản làng tổ chức tốt hoạt động du lịch homestay; lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt trên 8.000 lượt; doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng.

Vậy là đã 74 năm trôi qua, những đổi thay mạnh mẽ là bằng chứng cho sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Yên. Đây là tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương cách mạng Lục Yên ngày càng giàu đẹp.

Chia tay Lục Yên, trên chuyến xe xuôi về Thủ đô, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu hát của cụ Vân như hứa hẹn một ngày không xa sẽ trở lại, “Về đây với trập trùng khúc tình ca minh tiến/ Đến động quan hương thơm quả ngọt/ Trong niềm vui ngô lúa được mùa/ Những bông hoa lâm thượng sáng trong/ Em đi bên anh về miền đất ngọc/ Xây cuộc đời từ tình yên nỗi nhớ/ Tô thắm tình đất ngọc Lục Yên ơi”

Ghi chép của TRỌNG HIẾU