Tản mạn

Vùng an toàn

- Chủ Nhật, 30/06/2019, 08:25 - Chia sẻ
Ở mặt sau tấm huy chương của giải marathon Edinburgh có dòng chữ “Great things never came from comfort zones” (những điều tuyệt vời không bao giờ đến từ những vùng an toàn). Từ đấu tranh, thiếu thốn, nghịch cảnh và đau đớn mà con người ta mạnh mẽ và tinh anh hơn. Sự thỏa mãn, lười nhác và đầy đủ làm người ta yếu ớt và bạc nhược...

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, có một loài động vật sống ở đại dương. Tên khoa học của nó là Ascidiacea, tên thường gọi của nó là hải tiêu. Cũng như con người, hải tiêu là một thành viên của động vật có dây sống, có nghĩa là nó có não và tủy sống. Tức là cũng giống như con người, trên cơ thể con hải tiêu có những cơ quan cảm thụ (giống như mắt, mũi, tai, lưỡi, xúc giác...), những cơ quan này cảm nhận thế giới bên ngoài và truyền tín hiệu về cho não, não nhận thông tin, phân tích các số liệu và ra quyết định, truyền lại những quyết định đó cho những cơ quan trên cơ thể của con hải tiêu. Được trang bị tất cả những cơ quan và chức năng thú vị này, một con hải tiêu trẻ tuổi sẽ di chuyển khắp đại dương và thu thập thông tin và liên tục truyền về não cho đến khi, nó đến một nơi lý tưởng, an toàn, đầy đủ thức ăn, nhiệt độ phù hợp và con hải tiêu an cư tại đó. Từ đó nó không di chuyển nữa, ở lại đó cho đến hết đời. Và hành động đầu tiên sau khi đã an toàn và ổn định là nó ăn ngay chính bộ não của nó. Nó không cần não nữa. Từ đó trở đi, con hải tiêu tồn tại mà không cần có não. 

Với tôi, đây không phải chuyện kinh dị mà là câu chuyện lãng mạn nhất mà tôi từng được biết. Nó cho tôi thấy sự kì diệu và sòng phẳng của Tự Nhiên. Một quy luật đơn giản và trác tuyệt nhất của cuộc sống: Cái gì không cần dùng nữa thì tự nó sẽ triệt tiêu. Hải tiêu được gọi là loài động vật tiến hóa ngược. 

Sự vận động là yếu tố quyết định và là bước phát triển phi thường nhất của sinh vật sống. Lý do duy nhất để não tồn tại, đó là tạo ra sự vận động. Nhờ vận động mà con người có trí năng, sinh tồn, sinh sôi nảy nở, tiêu diệt các loài khác dần dần và tin rằng loài người là loài trí tuệ nhất trong hệ sinh thái. Tóm lại tất cả những điều hay ho và thú vị mà loài người có thể làm được đến giờ là đều nhờ vào vận động, vì vận động nên não phát triển. 

Nếu phóng chiếu từ câu chuyện về sự an toàn, ổn định và sự triệt tiêu não của hải tiêu kia, chúng ta thu lượm được bài học gì cho bản thân và có liên quan gì đến chạy bộ? Tôi không dám khẳng định chạy bộ là vận động duy nhất mà mỗi chúng ta duy trì hàng ngày. Thật ra thì kể cả khi ngủ, chúng ta vẫn vận động, thậm chí não bộ trong khi ngủ hoạt động hiệu quả và sáng sủa đúng chức năng hơn khi chúng ta thức nhiều.

 Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Từ khóa ở đây là “an toàn”. Ở mặt sau tấm huy chương của giải marathon Edinburgh có dòng chữ “Great things never came from comfort zones”, tạm dịch “những điều tuyệt vời không bao giờ đến từ những vùng an toàn”. Nếu coi mỗi sự thừa mứa của xã hội vật chất, từ thức ăn nhanh, rút ngắn công đoạn, biến đổi gene, lạm dụng thuốc... và rất nhiều thứ khác nữa là con người văn minh đang tạo ra những chiếc kén an toàn cho chính mình, thì đối chiếu lại câu chuyện con hải tiêu, nó cũng chẳng khác gì chúng ta đang tự nuốt dần nuốt dần não của chính mình và tiến hóa đến trạng thái zombie không có não. Từ đấu tranh, thiếu thốn, nghịch cảnh và đau đớn mà con người ta mạnh mẽ và tinh anh hơn. Sự thỏa mãn, lười nhác và đầy đủ làm người ta yếu ớt và bạc nhược. 

Con người văn minh đang tiến dần đến điểm mốc phát minh ra những thứ suy nghĩ hộ chúng ta (AI) những phương tiện nhanh hơn để di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong thời gian ngắn nhất và ít tiêu hao sức lực nhất. Con người hiện đại đang mất dần khả năng chịu đau, không còn kiên nhẫn với bệnh tật, nghĩ ra đủ mọi cách để sống lâu hơn mà không cần phải đối diện với Cái Chết. Những vi khuẩn kháng kháng sinh đang hình thành. Hệ miễn dịch tự nhiên đang suy giảm, và con người ngày một sống lâu hơn, trong cái ảo tưởng “văn minh và tiện nghi”.

Tôi không bảo đảm việc chúng ta chạy bộ hay tập yoga có thể cứu giúp nhân loại thoát khỏi thảm kịch nhãn tiền này. Tôi chỉ có thể bảo đảm, mỗi một hành động có ý thức, đưa chúng ta bước ra khỏi “vùng an toàn” giả dối kia, sẽ giúp cho một đơn vị não của bạn khỏi bị chính bạn ăn mất, trong mọi việc từ vận động chân tay cho tới vận động đầu óc. Và cũng vì thế, chúng ta tự do hơn, hạnh phúc bền vững hơn, và quan trọng nhất là không trở thành một con hải tiêu sống an nhàn trong nhung lụa và thưởng thức bữa sáng với não của chính mình.

Nguyễn Thu Thủy