Vừa trừng trị vừa phòng ngừa

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 10:16 - Chia sẻ
Quan điểm của Trung Quốc về phòng chống tham nhũng (PCTN) là vừa trừng trị, vừa phòng ngừa, với phương châm “một cơ thể hai cánh tay”. Nếu chỉ trừng phạt mà không phòng ngừa thì càng bối rối. Nếu cắt ngọn mà không đào gốc thì cây vẫn trưởng thành. Ngược lại, chỉ phòng ngừa mà không trừng trị thì tham nhũng ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, Trung Quốc vừa trừng trị, vừa xây dựng rào cản để phòng ngừa tham nhũng. Trừng trị phải nghiêm khắc, phòng ngừa phải hiệu quả. Hiện nay, tập thể ban lãnh đạo Trung Quốc coi trọng trừng trị và trừng trị nghiêm khắc cả “hổ” lẫn “ruồi”. Tất cả các hành vi tham nhũng đều phải bị trừng trị thích đáng để răn đe, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Về xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng, Trung Quốc cho rằng việc ăn uống, thanh toán bằng tiền “chùa” coi như hành vi tham nhũng, là mảnh đất để tham nhũng sinh sôi nảy nở. Trung Quốc đang tiến hành thực hiện 8 điều quy định về xây dựng tác phong tốt. Ví dụ, lợi dụng văn hóa truyền thống (tặng bánh Trung thu, phong bì mừng nhà mới...) hay tổ chức đám cưới xa xỉ để nhận phong bao đều bị xếp vào chủ nghĩa hưởng lạc và lối sống xa hoa. Hoặc nếu như cán bộ, đảng viên không tích cực, không làm việc cũng đều bị coi là hành vi tham nhũng. Tổ chức quá nhiều hội nghị, ban hành quá nhiều văn bản bị coi là hành vi tham nhũng. Trung Quốc cho rằng tác phong ăn chơi, làm việc tùy hứng giống như khói mù đang bao phủ ở Thủ đô Bắc Kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân với Đảng. Trung Quốc đã và đang cố gắng nỗ lực xây dựng tác phong liêm chính để khói mù càng ít, không khí càng trong sạch. Việc xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và PCTN phải tiến hành đồng bộ. Nếu làm tốt công tác xây dựng tác phong một cách cụ thể, thiết thực, thì sẽ góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân với Đảng.

Vai trò của thể chế rất quan trọng. Trước đây, lĩnh vực khai thác tài nguyên là do chính quyền chỉ định, hiện nay Trung Quốc đưa ra đấu thầu, mở cửa do thị trường quyết định; hạn chế việc chỉ định của chính quyền đối với lĩnh vực tài sản công. Sau khi thực hiện, thấy rằng nạn tham nhũng, lạm quyền trong lĩnh vực này ngày một ít hơn. Tăng cường giám sát quyền lực là nhằm làm cho người cầm quyền không phải muốn làm gì cũng được. Trung Quốc đang thực thi 10 biện pháp trong công tác giám sát, trong đó có việc thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra lưu động, kiểm định kỳ.

Để phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ những người làm công tác chống tham nhũng, Trung Quốc thực thi các giải pháp: Luân chuyển vị trí, địa bàn công tác; điều tra lại đối với một số vụ án đã được kết án (cử đoàn điều tra khác, điều tra lại sau khi vụ án đã xét xử); thông tin thu thập được do tập thể phân tích, đánh giá (không để cá nhân phân tích); trong cơ quan UBKTKT Trung ương có bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm tra lại cán bộ của UBKTKL Trung ương, điều tra các cán bộ UBKTKL Trung ương có sai phạm.

Về kinh nghiệm đấu thầu: Trung Quốc áp dụng lựa chọn ngẫu nhiên các thành viên chấm thầu và quyết định bằng máy tính. Khi doanh nghiệp trúng thầu, thành lập ngay đoàn kiểm tra kiểm tra lại kết quả vì sao doanh nghiệp thắng thầu.

Về giải pháp chống lại tệ mua quan bán chức: Trung Quốc có giải pháp về quy trình lựa chọn cán bộ; nhiều người tham gia công tác cán bộ; phát huy dân chủ trong công tác lựa chọn cán bộ. Số người tham gia quyết định cán bộ càng lớn thì tính chính xác càng cao. Thực hiện việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, nếu mức độ hài lòng không cao thì UBKTKL sẽ tiến hành kiểm tra cán bộ đó. Trung Quốc tích cực phát huy internet để kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Ví dụ, nếu một cán bộ còn trẻ, thuộc diện con, cháu lãnh đạo tự nhiên được thăng tiến nhanh, gây hoài nghi trong dư luận thì UBKTKL sẽ thành lập đoàn để kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm trong việc đề bạt (cán bộ đó không có năng lực, phẩm chất kém, có khuyết điểm... mà vẫn được đề bạt) thì các lãnh đạo tham gia đề bạt cán bộ đó sẽ bị kỷ luật, ngược lại nếu xứng đáng thì cũng công khai rộng rãi cho mọi người biết.

Đạt Quốc