“Vụ nổ lớn” trên chính trường Lebanon

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:44 - Chia sẻ
Hậu quả của vụ nổ thảm khốc tại cảng Beirut tuần trước xuất phát từ nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat đã lan đến chính trường Lebanon, khiến toàn bộ chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức. Trong vòng chưa đầy 3 năm, Lebanon lần thứ 3 phải đi tìm thủ tướng để giải quyết hàng loạt khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực.

Giọt nước tràn ly

Một tuần sau thảm kịch, Chính phủ Lebanon đã từ chức cùng phát biểu của Thủ tướng trên truyền hình rằng, quy mô của thảm kịch “quá lớn”. “Hôm nay, chúng tôi tuân theo ý muốn của người dân với yêu cầu truy cứu những người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này, những người đã trốn tránh suốt 7 năm. Và chúng tôi đáp ứng nguyện vọng về sự thay đổi thực sự của người dân... Tôi thông báo, hôm nay toàn bộ chính phủ từ chức", ông nói. Tuy nhiên, Nội các hiện tại vẫn sẽ điều hành đất nước cho tới khi chính phủ mới được thành lập.

Theo arabnews.com, vụ nổ ở cảng Beirut đã khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người dân thủ đô phải di tản do sức ép của nó phá hủy một khu vực rộng lớn xung quanh bến cảng.

Thủ tướng Lebanon Hassan Diab

Thủ tướng Hassan Diab, người nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, đã phải chịu nhiều áp lực trước tình hình kinh tế và tài chính không được cải thiện. Vụ nổ càng làm gia tăng các cáo buộc tham nhũng, thiếu năng lực và sơ suất của tầng lớp lãnh đạo chính trị.

Trong bài phát biểu hôm đầu tuần, Thủ tướng Diab đã đề cập về “một hệ thống tham nhũng” bắt nguồn từ chính nhà nước: “ Nói đúng hơn, tham nhũng lớn hơn cả nhà nước, và không thể đối đầu với hệ thống này hoặc thoát khỏi tham nhũng”. Theo ông, vụ nổ là “một trong những ví dụ về tham nhũng ở Beirut”.

Nhưng ông thừa nhận chính phủ của mình không có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, dẫu có cam kết đưa ra ánh sáng những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu tiến bộ và cải cách.

“Giữa chúng ta và sự thay đổi có một bức tường rất dày được bảo vệ bởi một tầng lớp chính trị luôn tìm mọi cách bẩn thỉu để kiểm soát nhà nước. Chúng tôi đã chiến đấu quyết liệt và đầy danh dự, nhưng trận chiến này không cân sức”.

Trước đó, Tổng thống Michel Aoun, Hezbollah và Phong trào Amal đã tìm cách ngăn cản một số bộ trưởng đệ đơn từ chức hôm cuối tuần sau khi Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad từ chức vào thứ Bảy. Đến Chủ nhật, Thủ tướng Diab ngầm liên kết khả năng chính phủ từ chức với việc thông qua dự luật rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm. Đó là phản ứng trước thông báo của Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri về việc Quốc hội sẽ triệu tập vào thứ Năm tới yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm về thảm họa cảng.

Hôm 10.8, Thủ tướng Diab gọi điện cho Tổng thống Aoun, đề nghị chuyển phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng đã được lên lịch tại Phủ Tổng thống đến trụ sở chính phủ. Động thái này khiến nhiều người có cảm giác rằng, mọi nỗ lực ngăn chặn chính phủ sụp đổ đều thất bại.

Bộ trưởng Samad và Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar không tham dự phiên họp. Bộ trưởng Tư pháp Marie Claude Najm có tham dự nhưng tuyên bố từ chức trước khi phiên họp bắt đầu. Bà nói: “Với thảm kịch đã gây ra cho đất nước và nỗi đau của người Lebanon, cùng những gì chúng tôi chứng kiến về các phản ứng và tình trạng bất ổn trên đường phố đã khẳng định rằng, Lebanon đang bước vào giai đoạn cần quan tâm đặc biệt, đòi hỏi lập trường quyết đoán để gìn giữ hòa bình chung, tránh mất thêm sinh mạng và tài sản, tôi xin đệ đơn từ chức lên chính phủ ”. Một số bộ trưởng khác cũng từ chức trong thời gian chờ bước vào phiên họp Nội các.

Iran, quốc gia thân cận của Lebanon, đã lên tiếng qua phát ngôn viên Đại sứ quán Iran, Abbas Al-Mousawi: “Vụ nổ không nên được lấy làm cớ cho các mục tiêu chính trị, và nguyên nhân của nó phải được điều tra cẩn thận. Mỹ cũng nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Lebanon". Trong khi đó, lãnh đạo đảng Lực lượng Lebanon Samir Geagea lo ngại rằng bất kỳ chính phủ mới nào cũng sẽ tương tự như chính phủ trước đó.

Thủ tướng Hassan Diab được giao lãnh đạo chính phủ vào ngày 19.12 năm ngoái khi các cuộc biểu tình đường phố lật đổ người tiền nhiệm Saad Hariri. Chính phủ của ông sau đó đã giành được thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội vào 11.2 năm nay với sự ủng hộ của Hezbollah, Phong trào Yêu nước Tự do và Phong trào Amal. Chính quyền được trao thời hạn ba tháng để đạt được những cải cách cần thiết nhằm đàm phán một thỏa thuận giải cứu của IMF giúp ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế. Ước tính, Lebanon sẽ cần ít nhất 10 - 15 tỷ USD để tái thiết thủ đô sau vụ nổ, nhưng nước này lại đang đứng trên núi nợ 90 tỷ USD, tương đương 170% GDP.

Chính vì thế, những lời chỉ trích về hoạt động của chính phủ đã tăng vọt sau vụ nổ, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khi hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình và đụng độ với cảnh sát ở Beirut, yêu cầu tiến hành cải cách và Chính phủ phải từ chức. Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.

Cần làm sáng tỏ

Bộ trưởng Bộ Công chính Michel Najjar cho biết khi rời phiên họp cuối cùng của Nội các, ông đã “biết về vấn đề lưu trữ nitrat amoni trong cảng 24 giờ trước khi vụ nổ xảy ra”. Vì vậy, ông đề nghị chuyển vụ việc cho Hội đồng Tư pháp, cơ quan tư pháp cao nhất của Lebanon, vì các phán quyết của cơ quan này có tiếng nói cuối cùng. Trong khi đó, phe đối lập khăng khăng yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ do “thiếu niềm tin vào cơ quan tư pháp địa phương”. Tuy nhiên, Tổng thống đã từ chối yêu cầu trên.

Tổng chưởng lý Ghassan Oweidat hôm đầu tuần tiếp tục công tác giám sát điều tra của mình. Tính đến nay, đã có 19 người bị bắt, trong đó có hai cựu cục trưởng hải quan và giám đốc cảng. Ông Oweidat chuyển những người bị bắt vì tội tắc trách và gây tổn hại cho Tòa án Quân sự để ngăn chặn bất kỳ phóng thích nào, vì thời gian tạm giam dự phòng thường không quá 4 ngày. Ngoài ra, ông còn chỉ thị cho Chi nhánh thông tin của Lực lượng An ninh nội bộ đến Cộng hòa Cyprus để nghe lời khai của chủ tàu đang vận chuyển amoni nitrat đến Mozambique nhưng đã dỡ hàng của họ cách đây 7 năm tại Cảng Beirut.

Các cuộc điều tra đang tập trung vào giai đoạn trước vụ nổ, cụ thể là từ năm 2013 - 2020, khi số amoni nitrat được lưu trữ ở Khu 12 bên trong cảng, và hoàn cảnh của vụ nổ.

Thái Anh