Vụ đặt cược mạo hiểm

- Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:45 - Chia sẻ
Một tuần trước cuộc bầu cử Knesset (Nghị viện Israel) ngày 17.9, Thủ tướng Netanyahu đã công khai kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan tại Bờ Tây nếu ông tái đắc cử. Nước cờ có phần mạo hiểm này cho thấy nhà lãnh đạo Israel đặt cược rất lớn vào cuộc bầu cử quan trọng lần thứ hai trong năm nay, cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quyết định vận mệnh chính trị của ông.

Quân bài cũ

Phát biểu trong buổi họp báo đặc biệt được truyền hình trực tiếp tại Israel hôm 11.9, Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là “cơ hội lịch sử” để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây. “Hôm nay, tôi thông báo ý định của tôi, sau khi thành lập một chính phủ mới, sẽ áp đặt chủ quyền của Israel đối với thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết”. Tiếp theo sẽ là các khu định cư khác của Israel tại Bờ Tây, nhưng là sau khi Mỹ đã công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Có thể thấy, “con bài an ninh” lần này của nhà lãnh đạo Israel không mới, mà chỉ là “bổn cũ soạn lại”, vẫn với mục tiêu thu hút và lôi kéo sự ủng hộ của các lực lượng chính trị cũng như cử tri ủng hộ phe cánh hữu và cực hữu, trong đó có hơn 400 nghìn người Israel đang sống ở các khu định cư ở Bờ Tây và hơn 200 nghìn người sống ở khu vực Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Trên thực tế, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Israel Betzelel Smotrich, nhân vật số hai của Liên minh các đảng cánh hữu ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ: “Tại sau phải nói đến vấn đề sáp nhập trước bầu cử 1 tuần, trong khi Chính phủ có thể quyết định thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào nếu muốn, thậm chí là ngay hôm nay?”.


Thủ tướng Netanyahu và kế hoạch sáp nhập Bờ Tây

Một chiến thắng của chính phủ cánh hữu sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Netanyahu trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với cuộc bầu cử hồi tháng 4.2019.

Tuyên bố của ông Netanyahu còn để thể hiện rằng, mọi quyết định về Trung Đông của ông sẽ có được sự chống lưng của Mỹ, đồng thời mở đường cho việc công bố “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ ngay sau cuộc bầu cử của Israel như dự kiến. Trên thực tế thời gian vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Washington và cá nhân Tổng thống Donald Trump. Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã đưa ra các quyết sách theo hướng có lợi cho Israel như công nhận Jesuralem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây, công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel và kế hoạch hòa bình dự kiến sẽ được công bố sau cuộc bầu cử sắp tới. Những động thái này được coi là “bảo trợ ngấm ngầm” của chính quyền Washington với ông Netanyahu.

Khu vực dậy sóng

Trong khi đó, tràn ngập trên các mặt báo Israel ngày 11.9 là hình ảnh Thủ tướng Netanyahu buộc phải dừng buổi vận động tranh cử tại thị trấn Ashdod sau khi tiếng còi báo động tên lửa phóng đến từ Dải Gaza vang lên. Chiều cùng ngày, tiếp tục có thêm hàng loạt quả đạn súng cối nữa được phóng đi về phía lãnh thổ Israel, dù không gây thiệt hại về người.

Ông Yair Lapid, thuộc đảng trung dung Xanh - Trắng, đang bám đuổi sát nút vị trí đứng đầu với đảng Likud trong các cuộc thăm dò, cho rằng, điều ông Netanyahu thực sự muốn là thôn tính phiếu bầu, chứ không phải thung lũng Jordan. Trước đó, Đảng Xanh - Trắng và Liên minh Dân chủ đã kiến nghị Ủy bản Bầu cử Quốc gia Israel không cho phát sóng chương trình trực tiếp liên quan đến tuyên bố của ông Netanyahu về thung lũng Jordan, vì cho rằng việc này sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử không công bằng và phi pháp.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khẳng định quan điểm của ông Antonio Guterres rằng “các hành động đơn phương của Israel không giúp ích cho tiến trình hòa bình Trung Đông; bất cứ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hay sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế, thay vào đó sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình trong khu vực”.

Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập (AL) Aboul-Gheit cảnh báo, Israel đang “đùa với lửa”, nhấn mạnh những hành động của Israel không mang lại lợi ích an ninh hay sự ổn định cho bất cứ bên nào. Sau cuộc họp khẩn tại trụ sở Liên đoàn Ảrập ở Thủ đô Cairo ngày 11.9, Ngoại trưởng các nước Ảrập ra tuyên bố chung nêu rõ quyết định của ông Netanyahu là hành động xâm lược mới, vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Các Ngoại trưởng Ảrập cho biết sẽ giám sát tuyên bố mới của Thủ tướng Israel và sẵn sàng thực hiện mọi hành động pháp lý và chính trị để đối phó với các quyết định đơn phương của Israel.

Ngay tại Israel, tuyên bố của ông Netanyahu cũng bị các chính trị gia ôn hòa bác bỏ. Nghị sĩ Ayman Odeh, người đại diện cho các công dân Ảrập trong Nghị viện Israel đã lên án tuyên bố trên và cáo buộc ông Netanyahu đang đặt Israel vào “một nhà nước cánh hữu phân biệt chủng tộc”. Ông Ayman Odeh nhấn mạnh kế hoạch sáp nhập đang “khai tử” vấn đề Palestine và loại bỏ khả năng về một giải pháp hai nhà nước hòa bình.

Theo các cuộc thăm dò trước bầu cử, Thủ tướng Netanyahu và đảng cánh hữu Likud được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục giành chiến thắng sít sao trước đối thủ “nặng ký” là đảng trung dung Xanh - Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu. Trong trường hợp tái đắc cử và thành lập chính phủ cánh hữu, rất nhiều khả năng ông Netanyahu sẽ thực hiện cam kết trên bất chấp sự phản đối của Palestine, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cũng có một nhân tố mà ông Netanyahu phải suy tính trong trường hợp này, đó là việc Tổng thống Donald Trump vừa sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, nhân vật được coi là “diều hâu” nhất trong Chính quyền, luôn ủng hộ Israel trong cuộc đối đầu với Iran. Sự ra đi của nhân vật này một lần nữa cho thấy, ông Donald Trump sẽ chỉ làm mọi thứ vì lợi ích, chứ không phải hệ giá trị.

Quỳnh Vũ