Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận:

Vốn tín dụng bao giờ được tháo gỡ?

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 11:36 - Chia sẻ
Tỉnh Tiền Giang và Liên danh nhà đầu tư mới đây đã ký phụ lục hợp đồng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc thẩm định nguồn vốn tín dụng cho dự án sắp tới. Các vướng mắc về chủ trương, chính sách đã được khơi thông, vấn đề của dự án quan trọng này chính là nguồn vốn tín dụng.

Nhiều “điều khoản đặc biệt”

Cụ thể, theo phụ lục hợp đồng, tổng mức đầu tư dự án là 12.668 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu là 14.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, nguồn vốn BOT là 10.482 tỷ đồng (vốn vay từ các ngân hàng thương mại là 7.694 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án sẽ được ưu tiên để chi trả cho phần giải phóng mặt bằng, chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xây dựng một số hạng mục công trình.

Nội dung quan trọng của phụ lục hợp đồng chính là quy định: “Trường hợp vốn của nhà đầu tư tăng thì phần vốn tăng thêm này được cập nhật phần tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư đối với vốn chủ sở hữu và lãi vay đối với phần vốn huy động khác. Trường hợp có thay đổi về tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu tuân thủ quy định”. Đồng thời, phụ lục hợp đồng cũng nêu rõ: “Trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước không hoặc chưa được bố trí và giải ngân trong năm 2019 theo kế hoạch tiến độ của dự án, Nhà đầu tư có quyền đề xuất gia hạn, hoãn hoặc tạm dừng dự án”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, việc ký kết phụ lục hợp đồng là sự nỗ lực rất lớn của hai bên. Có thể xem khung pháp lý của dự án cơ bản đã hoàn thành. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa bởi thời gian để thông tuyến vào năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ còn lại rất ngắn, với khối lượng công việc rất lớn và chịu sự áp lực về thời gian.

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Lưu Xuân Thuỷ khẳng định, việc ký kết phụ lục hợp đồng không có nghĩa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư hoàn thành. Đây mới là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc thẩm định nguồn vốn tín dụng cho dự án sắp tới. Sau buổi ký kết này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm việc với các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện dự án.

Bao giờ ngân hàng thu xếp vốn?

Chỉ cách thời điểm ký kết phụ lục hợp đồng 5 ngày, ngày 7.8.2019, Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị kỹ kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng huy động cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động để phần vốn này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9.2019. Vấn đề khiến các doanh nghiệp tham gia dự án còn băn khoăn chính là sự tham gia của các ngân hàng thu xếp vốn. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Liên danh 3 nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư xây dựng B.M.T) trước khi thống nhất cùng UBND tỉnh Tiền Giang ký phụ lục hợp đồng đều bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề này.

Đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, Ngân hàng TMCP Công Thương là đầu mối thu xếp vốn cho dự án, đã chủ động mời các ngân hàng tham gia đồng tài trợ vốn và ký hợp đồng tín dụng từ tháng 6.2018, nhưng đến nay vẫn không thể giải ngân. Ngoài ra, đại diện ngân hàng đồng tài trợ là VP Bank thông tin sẽ không tiếp tục tham gia hợp vốn tại Dự án lại càng làm phương án tín dụng khó khăn hơn nếu ngân hàng đầu mối VietinBank không có các hành động cụ thể để giải quyết như: đề nghị các ngân hàng còn lại tăng vốn bù lại theo tỷ lệ góp hoặc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ định đơn vị khác tham gia Dự án nhằm giảm gánh nặng cho ngân hàng đầu mối.

Dẫu Ngân hàng VietinBank cùng các ngân hàng đồng tài trợ đã có nhiều cuộc làm việc để thống nhất, sớm có văn bản chính thức gửi chủ đầu tư về việc cam kết tài trợ tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp BOT quan ngại chính là thời gian ấn định cho việc vay vốn vẫn chưa rõ ràng, các ngân hàng tài trợ vốn đang đặt ra quá nhiều điều kiện khắt khe để được thu xếp vốn. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2021.

Với hàng loạt điều kiện khó đặt ra để bảo vệ các tình huống cho vay, các tổ chức cấp tín dụng vẫn chưa thể hẹn ngày cấp vốn cho dự án này, bất kể dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là cam kết của Chính phủ đối với hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Thời hạn thu phí tại các trạm trên đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 14 năm 8 tháng 12 ngày và chỉ thay đổi khi có sự điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án, quyết toán hoặc khi điều chỉnh dự án; dự kiến bắt đầu từ ngày 1.5.2021. Trường hợp nhà đầu tư hoàn thành dự án trước thời hạn thì các bên sẽ thỏa thuận để điều chỉnh lại thời gian thu phí.

Thành Nam