Chính sách và cuộc sống

Vốn con người

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:54 - Chia sẻ
Hôm nay, Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) với chủ đề “Việt Nam khát vọng thịnh vượng - ưu tiên và hành động” sẽ diễn ra tại Hà Nội.

VRDF năm nay có 2 điểm đặc biệt. Đầu tiên, diễn đàn được tổ chức sớm hơn so với thường lệ. Lý do, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, xuất phát từ bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam. Nước ta đang ở thời điểm quan trọng khi mà đang chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 để bước sang một thập kỷ mới. Kết quả của VRDF 2019 sẽ là đầu vào quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội 13 của Đảng, trong đó có Chiến lược và kế hoạch phát triển 5, 10 năm tiếp theo.

Điểm đặc biệt thứ hai là tại VRDF 2019, ngoài sự tham dự của các đối tác phát triển, các chuyên gia quốc tế còn có những đối tác phát triển ngang tầm và có thể là thấp hơn Việt Nam. Điểm mới này bắt nguồn từ vị thế của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới. Nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với những thành tựu được thế giới ghi nhận - trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu -  giờ đây Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi kinh nghiệm mà còn ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

Tuy vậy, đối với Việt Nam, chặng đường đi tới thịnh vượng vẫn còn rất dài và chông gai. Năng lực nội tại, ở đây bao gồm cả năng lực của nền kinh tế và năng lực bộ máy điều hành, đều chưa đủ sức để thích ứng, cũng chưa đủ bền bỉ trước một thế giới bất định về mọi mặt, trước những xu hướng khó tiên đoán của nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên sự rời rạc, hay nói như TS. Jan Rielander - một trong những diễn giả quốc tế của VRDF 2019 là thiếu tích hợp, thể hiện rõ nhất ở chỗ các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, FDI), các địa phương trong vùng kinh tế không kết nối với nhau. Sinh viên, học sinh Việt Nam học rất giỏi nhưng lại thiếu sáng tạo, bằng chứng là Chỉ số đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam thuộc “top 10” nhưng những chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo thì không được cao như vậy. Đáng báo động nữa là người giỏi, người tài ngày càng có sự hoài nghi khi bước chân vào khu vực nhà nước. Rất khó để khu vực nhà nước thu hút được những người giỏi và tài năng nhất trong khi mặt bằng chung của xã hội đang cao lên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh nói trong cuộc tọa đàm giữa Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các diễn giả tham dự VRDF 2019 vào chiều qua.

Cũng tại cuộc tọa đàm được tổ chức riêng trước thềm VRDF nhằm thảo luận sâu hơn những vấn đề phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội 13 của Đảng, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm bước ngoặt và Việt Nam cần đưa ra được những quyết định đúng đắn. Quyết định đúng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công, khát vọng thịnh vượng sẽ thành hiện thực. Ngược lại, cơ hội sẽ trôi qua và bẫy thu nhập trung bình không còn là nguy cơ mà sẽ trở nên hiện hữu.

Không hẹn mà gặp, nhiều chuyên gia quốc tế đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn vốn con người trong chặng đường phát triển sắp tới của Việt Nam. Khi tương lai không biết như thế nào thì tốt nhất vẫn là đầu tư vào con người, đầu tư vào con người là quan trọng nhất, TS. Pinelopi Goldberg, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới nói. Không chỉ học sinh, sinh viên mà cả người lao động cũng cần có năng lực học tập - điều này rất quan trọng vì khoa học công nghệ và thế giới biến đổi rất nhanh nếu không nắm bắt được sẽ cầm chắc thất bại, TS. Jonathan Pincus, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam tiếp lời.

Hôm nay, VRDF sẽ bàn về những vấn đề Việt Nam cần ưu tiên và tập trung hành động để sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và chắc chắn câu chuyện đầu tư vào con người còn được nhắc đến như một ưu tiên quan trọng nhất.

Hà Lan