Nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải

Viwasupco đang rất lúng túng

- Thứ Năm, 17/10/2019, 08:28 - Chia sẻ
Chiều tối 16.10, ngay sau khi kết thúc cuộc khảo sát tại Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam PHẠM VĂN SƠN đã dành cho phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trao đổi liên quan công tác xử lý sự cố nước nhiễm dầu. “Công ty đã bỏ qua thời gian vàng để xử lý và hiện đang rất lúng túng” - ông Sơn nhận xét.

Lúng túng vì không có kinh nghiệm

- Trực tiếp đi khảo sát tại Viwasupco, ông nhận xét thế nào về cách xử lý sự cố nước nhiễm dầu của doanh nghiệp?

- Trước hết, phải khẳng định rằng đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hàng vạn người dân. Tuy nhiên, hiện công ty đang rất lúng túng vì không có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu xử lý sự cố tràn dầu như các doanh nghiệp xăng dầu. Đặc biệt, công ty đã bỏ qua “thời gian vàng” - thời gian đầu rất quan trọng để xử lý.

- Biểu hiện của sự lúng túng, bỏ qua “thời gian vàng” này như thế nào, thưa ông?

- Đó là thay vì phải xử lý đất thì họ lại cho lấp cát lên khu vực suối Trâm bị đổ trộm dầu thải. Nếu không xử lý đất, dầu thải sẽ ngấm dần vào đất, thậm chí tồn tại trong đó hàng thế kỷ. Bên cạnh đó, thay vì phải kiểm soát toàn bộ nước nhiễm dầu thì họ chỉ vớt váng dầu lên. Đáng ra, ngay khi phát hiện sự cố, công ty phải tạo các màng lọc chuyên dụng chặn tại nhiều điểm dọc theo dòng suối để thu gom không chỉ váng dầu mà cả các phần dầu bị khuyếch tán lơ lửng trong nước.

- Vậy bây giờ, theo ông, công ty cần xử lý các bước tiếp theo là gì?

- Trước tiên, công ty phải thu gom toàn bộ đất cát nhiễm dầu ở trên cạn, cũng như hai bên bờ suối, dưới lòng suối rồi tập kết về một địa điểm bảo đảm an toàn để xử lý. Bên cạnh đó, phải hút toàn bộ bùn lắng đã trôi về hạ nguồn, đặc biệt là khu vực chảy vào hồ chứa nước. Đồng thời, thường xuyên duy trì màng lọc tại nhiều điểm trên dòng suối cũng như tại cửa lấy nước vào nhà máy để thu gom các phần dầu còn sót lại sẽ nhả từ từ trong nhiều tháng tiếp theo.

Mặt khác, bên cạnh việc súc rửa toàn bộ bể chứa của dân cư, công ty cần kiểm tra nước còn đọng trong 40km đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội xem hàm lượng chất độc ra sao, nếu bảo đảm an toàn mới được xả ra môi trường.

Chưa thực hiện đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường

- Ông vừa nói Viwasupco không có kiến thức chuyên môn để xử lý sự cố tràn dầu. Vậy nguyên nhân do đâu?

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định rất rõ phòng ngừa, ứng phó, xử lý và khắc phục sự cố môi trường. Trong đó Điều 108 quy định rõ các doanh nghiệp có nguy cơ gây sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Đồng thời, phải đầu tư trang thiết bị, vật tư, đào tạo và bảo đảm nguồn lực sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường.

Thực tế, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 02/2013/QĐ – TTg ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 26/2016/QĐ - TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc. Tới đây, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố môi trường do chất thải.

Nếu thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, trong đó sẽ nhận diện các nguy cơ sự cố nói chung, kể cả sự cố từ bên ngoài tác động vào, chứ không phải chỉ hạn chế trong sự cố tràn dầu, hóa chất, chất thải và có phương án ứng phó thích hợp. Đáng tiếc chúng ta chưa làm được. Do vậy, thật dễ hiểu khi nhà máy nước sạch không có kiến thức xử lý tràn dầu, do họ không phải là công ty xăng dầu!

- Trong trường hợp này, theo ông, trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu?

- Trách nhiệm của nhà máy ở đây là khâu kiểm soát chất lượng nước trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, còn có lỗi của cơ quan quản lý khi phê duyệt một quy trình công nghệ sản xuất nước mà chấp nhận cho kiểm tra nước 1 lần/tuần. Đáng ra, đối với sản phẩm thiết yếu cho cộng đồng này thì việc kiểm soát phải chặt chẽ như đối với quản lý chất thải, tức phải kiểm soát trực tuyến, liên tục từ nước thô đầu vào cũng như chất lượng nước trong quá trình sản xuất.

- Sau vụ việc này, những vấn đề nào đang đặt ra cho các cơ quan quản lý?

- Trước tiên, chúng ta không nên yêu cầu các doanh nghiệp làm quá nhiều kế hoạch ứng phó các sự cố tràn dầu, hóa chất, chất thải mà chỉ làm một kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, trong đó nhận diện tất cả rủi ro khách quan và chủ quan và đề ra phương án ứng phó. Đồng thời, phải có đơn vị phân tích, xét nghiệm về môi trường cũng như các lĩnh vực khác thật khách quan, trung thực, thông qua việc mã hóa mẫu xét nghiệm, tránh gây tâm lý hoài nghi trong cộng đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện