Vĩnh Phúc phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng

- Thứ Tư, 27/03/2013, 08:37 - Chia sẻ
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước. Vĩnh Phúc sẽ phát triển đa dạng các loại hình du lịch, mang nét đặc trưng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch, dịch vụ phục vụ hội thảo…

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Vĩnh Phúc là một miền địa linh, với những giá trị lịch sử, văn hóa đậm nét. Sau 16 năm tái lập, nay Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Theo thống kê của Sở VH, TT và DL, Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Vĩnh Phúc có nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang dấu ấn giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, di chỉ Đồng Đậu... Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều lễ hội dân gian đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Mậu Lâm (Vĩnh Yên) nổi tiếng với trò múa Mo, chọi trâu ở Hải Lựu (Lập Thạch), lễ hội Tây Thiên... Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, Vĩnh Phúc đã khôi phục, phát triển và khai thác các sản phẩm nghề thủ công truyền thống độc đáo như: mộc Bích Chu (Vĩnh Tường), rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường), nuôi rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), đục đá Hải Lựu (Lập Thạch)... Các làng nghề đều nằm gần các tuyến du lịch trọng điểm nên thuận lợi cho khách đến tham quan. Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn được biết đến với nhiều loại hình nghệ thuật như hát xoan, hát chèo, hát trống quân, hát soọng cô, đặc biệt là ca trù, hát văn và hát xẩm.

Việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 vừa qua là cơ hội để Vĩnh Phúc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất và người Vĩnh Phúc tới không chỉ các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng mà tới cả nước. Qua đó, mong muốn sự kết nối của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước với Vĩnh Phúc ngày một bền chặt hơn. Trên cơ sở cùng hợp tác, các tỉnh phát huy được thế mạnh của mình, trao đổi và giúp nhau cùng phát triển. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng nêu rõ mục tiêu trước mắt khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch nội tỉnh chủ yếu là: tuyến Vĩnh Yên - Tây Thiên - Tam Đảo; tuyến Vĩnh Yên - Phúc Yên - Đại Lải - Hương Canh; tuyến Vĩnh Yên - Lập Thạch - Sông Lô; tuyến Vĩnh Yên - Vĩnh Tường - Yên Lạc. Song song với đó, kết hợp với các tỉnh bạn mở các tuyến liên tỉnh: Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai; Hà Nội - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Thái Nguyên và Hà Nội - Vĩnh Phúc - Yên Bái - Hà Giang.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Dương Thị Tuyến cho biết, hiện Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch. Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2012, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 01 về phát triển du lịch, trong đó có những giải pháp cụ thể. Trước hết, phải khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch nội tỉnh; kết nối du lịch với các tỉnh lân cận. Muốn có được như vậy đòi hỏi các Sở VH, TT và DL phải liên kết mạnh hơn, chặt chẽ hơn. Thứ hai, phải có những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng, để khách du lịch yêu quý hơn vùng đất mà họ đặt chân đến, chứ không chỉ đơn thuần là tham quan các di tích lịch sử và chiêm ngưỡng các danh thắng thiên nhiên.

“Lợi thế của Vĩnh Phúc là có cả du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng, nhiều cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa. Khu resort Flamingo của Đại Lải gần như Mũi Né của Bình Thuận, Tam Đảo có khí hậu gần như Sapa của Lào Cai. Khu danh thắng Tây Thiên thì quả thật là một vùng núi rừng hùng vĩ. Tuy nhiên, khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh sao cho thực sự hiệu quả vẫn còn là một bài toán khó mà chúng tôi phải giải quyết từng phần một” - bà Dương Thị Tuyến chia sẻ.

Cao Sơn