Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

- Thứ Sáu, 07/12/2012, 09:22 - Chia sẻ
Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, bước đầu các cơ sở dạy nghề đã tạo được sự gắn kết với doanh nghiệp, số lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng…

Các học viên đang thực hành điện                                                                        Ảnh: TL

Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong các mục tiêu, giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, trong những năm qua, Vĩnh Phúc là một trong các địa phương ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho lĩnh vực này. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 03 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Tỉnh ủy có Nghị quyết số 06 về phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh: Giáo dục mầm non, Phổ thông là nền tảng, coi đào tạo nghề là khâu đột phá; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức để nâng cao chất lượng là khâu quyết định. Từ năm 2007 đến 2011, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 3 nghị quyết liên quan đến chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm: Nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND về chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2007 – 2010; Nghị quyết số 34/2008/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn từ năm 2009 – 2010 và Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012 – 2015.

Ảnh: DT

Sau một thời gian tổ chức thực hiện, cơ bản các chủ trương, chính sách của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 40,1%; năm 2012, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 55,8%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 41,8%. Vĩnh Phúc cũng bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thông và trung học cơ sở. Một số cơ sở dạy nghề đã tạo được sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như tổ chức đào tạo theo hợp đồng với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp, từ đó, chất lượng đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Về giải quyết việc làm, từ đầu năm 2011 đến hết tháng 6 năm 2012, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 34 nghìn lao động, trong đó có hơn 32 nghìn  người làm việc trong nước và hơn 1 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo báo cáo mới đây của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác giải quyết việc làm được xã hội hoá, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, số lao động được giải quyết việc làm hàng năm đều tăng.

Ảnh: DT

Tuy nhiên, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm chưa sâu rộng, chưa thường xuyên; có nơi, có địa phương nhận thức chưa đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức dẫn đến một bộ phận nhân dân nhận thức về học nghề còn hạn chế, mang nặng tâm lý phải học đại học, nên số lượng tham gia học nghề chưa nhiều. Việc chỉ đạo, công tác phối hợp trong lĩnh vực đào tạo nghề giữa các ban, ngành chức năng cấp huyện với cấp xã còn hạn chế, giải pháp thiếu đồng bộ và chưa quyết liệt; chưa chú trọng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trong dài hạn và ngắn hạn, những nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động, của sự phát triển thị trường lao động; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm còn bất cập: UBND cấp huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác quản lý dạy nghề, thực hiện chính sách của người lao động ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động dạy nghề chưa toàn diện, chưa chú trọng đến việc kiểm tra thực hiện nội dung chương trình, thực hiện kế hoạch đào tạo, chất lượng đào tạo… Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, số học sinh học nghề giảm; việc đào tạo ngắn hạn còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với với nhu cầu tuyển dụng; nhiều lao động qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, thiếu tác phong lao động công nghiệp…

Ảnh: DT

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới thiết nghĩ UBND cần tổ chức quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các ngành rà soát phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của từng trường, từng cơ sở dạy nghề bảo đảm sự cân đối hợp lý giữa cơ sở vật chất trường học, nhu cầu học tập và chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường dạy nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay. Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 37của HĐND tỉnh; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác quản lý về lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tỉnh cũng cần chú trọng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch đào tạo trong ngắn hạn và dài hạn, tập trung vào những nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh đào tạo tràn lan, hiệu quả thấp.

Đối với chính các trường, trung tâm đào tạo nghề cần tăng cường phối hợp với các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân từ đó xây dựng kế hoạch mở lớp; nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, gắn đào tạo với giải quyết việc làm để thu hút học sinh; tăng cường mở rộng và xây dựng mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo nghề.

Nguyễn Minh Huệ