Việt Nam là một nước có văn tự

- Chủ Nhật, 23/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Việc một cá nhân ưa thích ai và tạc tượng người ấy để kỷ niệm, thờ phượng hay muốn đặt ở đâu là chuyện riêng trong phạm vi quyền hạn của mình. Nhưng việc nhân danh toàn dân tộc đặt một pho tượng nơi công cộng để kỷ công một người nào đó thì mọi người dân đều có quyền có ý kiến.

04-viet-nam-23509-300-a2.jpg

Tuổi Trẻ Online ngày 29.6.2009 đưa tin ông Phạm Văn Hạng (TP Hồ Chí Minh) vừa có “văn thư” gửi đến HĐND, UBND TP Hà Nội cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để nêu ý muốn tặng tượng ông Alexandre de Rhodes cho Thủ đô nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bài báo cũng cho biết thêm, chính quyền Hà Nội cũng đã có thư trả lời ông Phạm Văn Hạng, hẹn sẽ cử đoàn vào Bình Dương xem qua tác phẩm. Sau bản tin ấy, liền có ý kiến nhắc lại tấm bia vinh danh Alexandre de Rhodes từng được đặt tại Hồ Gươm năm 1941 để gợi ý nơi đặt tượng.

Muốn nhân danh toàn dân tộc để kỷ công một người nào đó thì người ấy phải thật sự có công đối với toàn dân tộc. Công và tội của nhân vật Alexandre de Rhodes đối với dân tộc Việt Nam từng là đề tài tranh luận học thuật của nhiều người, nhiều giới và nhiều thời kỳ, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Lập luận kỷ công vị thừa sai này chủ yếu xoay quanh việc ông là người đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ cho người Việt sử dụng, khiến người Việt có thể đi trước thời đại vài trăm năm. Tuy nhiên, cũng có những lập luận và tư liệu chứng tỏ vị thừa sai này chỉ là người tập hợp các nghiên cứu của những người đi trước để thực hiện quyển tự điển Việt-Bồ-La đầu tiên. Mặt khác, cũng có không ít tư liệu chứng tỏ trước khi có chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latin thì người Việt cũng đã có cả một nền văn học chữ Nôm, nghĩa là người Việt đã có chữ Quốc ngữ do chính mình sáng tạo, và chỉ vì sức mạnh của thực dân mà chữ Quốc ngữ ấy mai một, nên chưa thể xác định chữ Nôm hay chữ Việt Latin hóa ưu việt hơn.

04-viet-nam-23509-300-a3.jpg

Không phải là người sáng tạo Quốc ngữ

Sử liệu cho biết, Alexandre de Rhodes (1593-1660), là người Pháp, gốc Do Thái, gia nhập Dòng Tên tại Roma ngày 24.4.1612, vào Việt Nam năm 1624, học tiếng Việt từ một cậu bé 13 tuổi và được sự chỉ dạy về ngôn ngữ của giáo sĩ Francisco de Pina người Bồ Đào Nha. Tháng 7.1626 ông bị trục xuất về Ma Cao. Ông tiếp tục trở lại và bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1630. Nhưng trong đầu thập niên 1640 ông vẫn lén lút trở lại cho đến lần cuối cùng bị trục xuất vào năm 1645.

Alexandre de Rhodes không phải người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ mà chỉ là người biên soạn từ điển dựa trên nhiều công trình của người khác. Và kể từ khi cuốn từ điển Việt-Bồ-La ra đời năm 1651, nó cũng không có tác dụng gì tới việc học chữ Quốc ngữ của người Việt Nam. Vì vốn dĩ khi ấy người Việt sử dụng chữ viết chính thức là chữ Hán và chữ Quốc ngữ (chữ Nôm). Chữ Nôm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại sáng tác văn chương và đã đạt đến đỉnh cao qua tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) và nhiều truyện thơ Nôm, văn xuôi Quốc ngữ khác. Đặc biệt trong các tác phẩm chữ Nôm của Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715), lối hành văn tiếng Việt không khác nhiều so với ngày nay (trong Hương Hải thiền sư ngữ lục cũng nói đến sự kiện một số giáo sĩ Hoa Lang bị trục xuất khỏi Việt Nam – Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TPHCM, 2000, tr.116). Vua Quang Trung (1753-1792) không chỉ sử dụng chữ Nôm trong văn bản hành chính mà còn chính thức đưa chữ Nôm vào trong thi cử. Ông chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập “Sùng chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm.
Chữ Nôm chính là chữ Quốc ngữ mà ông cha ta sáng tạo. Điều đó khẳng định nước ta là nước có văn tự. Người Pháp đã tìm mọi cách thủ tiêu văn tự Nôm của chúng ta, thế mà còn lớn lối nói rằng đã đem đến cho chúng ta một chữ viết. Đây là hành vi thủ tiêu (chữ viết) và tranh công (sáng tạo) nực cười nhất trong lịch sử chữ viết của nhân loại. Không những thế, vì một cuốn từ điển được biên soạn lại qua công trình của người Bồ, mà một số người Pháp không ngượng miệng nói rằng: “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ” (Nguyệt san MISSI).

Nửa đầu thế kỷ XVIII, tại châu âu dấy lên cuộc vận động trục xuất các giáo sĩ dòng Tên. Ngày 21.7.1773, Giáo hoàng Clement XIV ban sắc lệnh, tuyên bố chính thức thủ tiêu dòng Tên. Những sự kiện này dẫn đến sự tan rã của Giáo phận Bồ tại Ma Cao, là nơi vào năm 1594, giáo phận này từng có Học viện St. Paul’s - trường đại học phương Tây đầu tiên ở Viễn Đông. Ở trường này, ngoài việc dạy các môn thần học, văn học và nghệ thuật ra, còn dạy các ngôn ngữ của khu vực Viễn Đông như tiếng Hán và tiếng Việt. Ghi chép của Linh mục Maldonado cũng nói, năm 1667, học viện này có hai ngôn ngữ Viễn Đông chính được giảng dạy. Như thế, rõ ràng tiếng Việt được ký âm bằng chữ cái Latin đã được phát triển dần dần từ rất lâu trước đó do nhu cầu tiếp cận với người bản địa của các giáo sĩ thuộc Giáo phận Bồ Đào Nha, làm nền tảng cho quyển tự điển Việt-Bồ-La mà Alexandre de Rodhes đã cho in.

Xin binh lính chinh phục phương Đông

Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông. Trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19, phần thứ 3 có một câu nguyên văn: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11è Septembre de l’année 1652 après avoir baisé les pieds du Pape”.

Câu này được Hồng Nhuệ (linh mục Nguyễn Khắc Xuyên) dịch: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Dương đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và Thày chúng tôi trong các  giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tôi hôn chân Đức Giáo hoàng.” (Hành trình và truyền giáo - Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM, 1994, tr. 263. Người dịch còn chú thích từ chiến sĩ ở đây: nói chiến sĩ Phúc âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng - tr. 289).

Plusieurs soldats” được dịch là “mấy chiến sĩ” (Nguyễn Khắc Xuyên), “chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai” (Nguyễn Đình Đầu), “chiến sĩ truyền giáo” (Đinh Xuân Lâm) và ông Chương Thâu thì đồng ý với cách dịch này.

Về những tranh luận xảy ra trên chữ “soldat” này, Gs Cao Huy Thuần đã dẫn theo từ điển Robert của Pháp:

Soldat: 1. Homme équipé et instruit par l’Etat pour la défense du pays. 2. Tout homme qui sert ou qui a servi dans les armées.

Dịch: 1. Người được nhà nước trang bị và huấn luyện để bảo vệ xứ sở. 2. Bất kỳ người nào phục vụ hoặc đã phục vụ trong quân đội.

Như vậy “soldat” bao hàm ý nghĩa quân sự, quân đội. Đó là người mà nhiệm vụ là làm chiến tranh, chiến tranh phòng vệ hay chiến tranh xâm lược, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng. Trong tôn giáo, dùng chữ “soldat” không làm mất đi cái ý nghĩa đánh nhau. Dù đánh nhau vì chân lý đi nữa thì cũng là đánh nhau mà đánh nhau vì chân lý thì càng ghê rợn hơn. Đừng trách ai dịch soldat là “binh sĩ”.

Ngoài ra plusieurs có nghĩa là nhiều hoặc đông, không thể dịch là mấy với ý nghĩa là ít nhằm mục đích chạy tội.
Vậy, việc Alexandre de Rhodes từng có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông là đã rõ. Dù có một số người đã thêm “nghĩa bóng” cho từ soldats nhưng ý đồ tiêu diệt các nền văn hóa và tôn giáo khác để đem toàn cõi Đông Dương về quy phục chúa Kitô vẫn lồ lộ ra đó.

Thực tế 12 năm ở Việt Nam, Alexandre de Rhodes chẳng để lại bất cứ một ấn tượng gì ngoài việc 6 lần bị trục xuất.

Năm 1858 Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Lợi dụng đúng lúc áp dụng thành công chính sách giáo dục “đồng hóa” triệt tiêu chữ Hán - Nôm, họ đã tô vẽ cho từ điển công cụ của Alexandre de Rhodes bằng những từ mà lâu nay một số người nhầm lẫn sử dụng như “cha đẻ”, “sáng tạo”, “công đầu”… Thực tế, thứ chữ đó sau hơn 200 năm chìm lỉm đã bất ngờ “sống dậy” trong sự cổ xúy của chính quyền bảo hộ Pháp. Trong hoàn cảnh bị thực dân cai trị và không đủ tư liệu tham khảo như bây giờ, việc một số người lầm tưởng rồi cổ vũ và tiến hành việc đặt bia kỷ niệm vị thừa sai này ngay bên cạnh trái tim của Thủ đô Hà Nội là điều không đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự sai lầm đó ngày nay không thể tồn tại.

Đừng gây ra nhầm lẫn lịch sử

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm tôn vinh tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, lòng tự hào dân tộc, cũng như bản sắc và văn hiến Thăng Long. Thăng Long là mảnh đất được thành lập gìn giữ và xây dựng phát triển bởi công lao của các vị vua Phật tử, các thiền sư, cư sĩ và trí thức Tam giáo, cùng vô số người nông dân chân chất tin vào lẽ nhân quả tự ngàn đời, luôn kính ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.

Không bàn đến công hay tội của Alexandre de Rhodes, người ta thấy ngay rằng pho tượng của người Pháp này không nên để vào bất kỳ một nơi công cộng nào. Chính quyền TP Hà Nội cần cân nhắc kỹ trước khi nhận “quà tặng” tượng Alexandre de Rhodes. Nếu để “sự đã rồi”, thử hỏi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có còn nguyên vẹn ý nghĩa văn hóa, hòa bình cao đẹp nữa không?

Lịch sử rất cần nêu cao sự thật. Mong sao chúng ta đừng để những nhầm lẫn trong ứng xử trở thành những nhầm lẫn của lịch sử.

Thích Thanh Thắng