Động lực nào tăng trưởng kinh tế “bứt tốc” trong 6 tháng cuối năm?

- Thứ Ba, 30/06/2020, 15:31 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm, Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 1,81% tuy là con số thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng cũng là hết sức tích cực và khả quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê NGUYỄN THỊ HƯƠNG cho rằng, thời gian tới, cần tập trung vào những ngành có sức lan tỏa đến giá trị gia tăng cao, lao động chất lượng cũng như giảm nguyên liệu nhập khẩu đầu vào.

Dù thấp nhưng vẫn là kết quả khả quan

- Xin bà cho biết, trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có những điểm nổi bật gì?

-Trước hết, có thể nói rằng tốc độ tăng trưởng 1,81% của 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta là con số thấp nhất trong 10 năm qua. Nhưng đây cũng là kết quả hết sức tích cực và khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế-xã hội của các quốc gia, khiến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm, ngay cả với các nước rất phát triển như Mỹ, khu vực EU, Nhật Bản. Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi được các tổ chức quốc tế đánh giá đến cuối năm 2020 sẽ có mức tăng trưởng dương từ 2,7% đến 4,2%. Có được kết quả này là do Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh sớm và khôi phục lại nền kinh tế nhanh nhất từ đầu tháng 5, đến tháng 6 đã có mức tăng trưởng gần như quay trở lại bình thường. Hi vọng rằng, với sự nỗ lực mang tinh thần của phòng chống dịch Covid-19 vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm chúng ta sẽ có mức tăng trưởng khả quan nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

- Con số 1,81% của tăng trưởng 6 tháng đầu năm có đóng góp từ những lĩnh vực như thế nào, thưa bà?

- Kết quả tăng trưởng 1,81% nhờ sự đóng góp của khu vực khu vực nông- lâm nghiệp-thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14% và khu vực dịch vụ tăng trưởng thấp là 0,57%, đóng góp 14,97%. Ở quý 2, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do thực hiện giãn cách xã hội hồi tháng 3, tháng 4 tạo lên. Thời điểm đó chỉ những ngành thiết yếu được duy trì nên có mức tăng nhất định, còn các hoạt động sản xuất khác gần như đóng băng. Đó chính là nguyên nhân giải thích tại sao quý 2 lại có mức tăng trưởng thấp làm cho 6 tháng đầu năm nước ta chỉ đạt 1,81%. 

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 4,96% và các ngành dịch vụ thị trường (như bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao

- Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn rất ảm đạm, yếu tố nào quan trọng nhất để Việt Nam có được mức tăng trưởng khả quan này?

- Một trong những yếu tố rất quan trọng làm nền tảng đó chính là Đảng, Chính phủ và người dân đã đồng thuận, cùng nhau đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn thành công dịch Covid-19 và tạo niềm tin, sự tin tưởng để các doanh nghiệp, mọi người dân quay trở lại tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, những giải pháp, các gói kích thích hỗ trợ động viên, ổn định đời sống nhân dân, cũng như hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất đã bước đầu phát huy tác dụng, làm cho nền kinh tế bước đầu đạt mức tăng trưởng dương, tuy vẫn còn thấp nhưng cũng rất tích cực so với các nước xung quanh cũng như so với nền kinh tế của thế giới.

- Thời gian tới, Chính phủ cần làm gì để có thể đạt được mức tăng trưởng tích cực hơn nữa?

- Trước tiên, cần tập trung vào những ngành có sức lan tỏa đến giá trị gia tăng cao, lao động cao, đồng thời giảm mức ô nhiễm môi trường cũng như giảm nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Nhìn từ phía cung, phải dựa vào nội lực từ sản xuất. Lựa chọn một số ngành có thể khai thác lợi thế về lao động, tài nguyên của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày. Nhìn về phía cầu, rõ ràng nếu sử dụng những ngành có khai thác nguyên liệu đầu vào sẽ kích thích tiêu dùng trung gian sử dụng cho sản xuất. 

Bên cạnh đó, phải có sự chủ động chuẩn bị đồng bộ từ việc tạo môi trường thuận lợi, phát triển hạ tầng, chuẩn bị nguồn lực con người, đến thu hút các chuyên gia để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Có như vậy mới phát triển bền vững chứ không chỉ mang tính kêu gọi, trải thảm đỏ một cách thụ động. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam không chỉ thu hút FDI, mà còn thu hút cả khu vực ngoài Nhà nước, do đó đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới là nhiệm vụ cần thiết để Việt Nam tự tích lũy và nâng cao năng lực sản xuất trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, phải xem xét trong cả tổng thể và cân đối hài hòa trong thu hút dòng vốn đầu tư. Xem xét, đánh giá khách quan điểm mạnh, điểm chưa đạt được trong việc thu hút FDI để có chính sách điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh, phát triển bền vững cho cả ba khu vực, trong đó đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.

- Xin cảm ơn bà!

Mai Phương thực hiện