Việt Nam đời thường, thú vị và yên bình

- Thứ Ba, 23/09/2014, 08:45 - Chia sẻ
“Mỗi bức tranh là một khoảnh khắc đẹp về cuộc sống thường nhật của người Việt Nam. Với 9 bức tranh, tôi mới chỉ khẽ chạm vào thế giới sinh động, thú vị và yên bình này” - họa sỹ Italy Barbara Pellizzari nói về triển lãm Khoảnh khắc - Những hình ảnh đời thường ở Việt Nam đang diễn ra tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội.

Phút giải lao của những người bốc dỡ hàng, tranh thủ chợp mắt trên võng, đọc báo, đá cầu, thả diều, đi nhà thờ về, đi dạo trên bờ biển... Từ những bức ảnh chụp trên hành trình khám phá Việt Nam (chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận), họa sỹ Barbara Pellizzari đã sáng tác nên loạt tranh về Việt Nam đương đại trong dòng chảy cuộc sống hàng ngày theo một cách riêng. Pellizzari chỉ chọn hình ảnh con người Việt Nam với khoảnh khắc nghỉ ngơi yên bình để diễn tả tinh thần cũng như cảm nhận của bà về cuộc sống nơi đây.


Giải lao hút thuốc

Sau 16 năm sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc - nơi con người lúc nào cũng bị đẩy vào công việc, khi chuyển đến TP Hồ Chí Minh năm 2012, họa sỹ Barbara Pellizzari lúc đầu cũng nghĩ sẽ lại tiếp tục nhịp sống đó, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Dù công việc hàng ngày bận rộn nhưng người Việt Nam luôn biết cách thư giãn để lấy lại sức khỏe cũng như tận hưởng cuộc sống. Vì thế, cuộc sống dường như cũng chậm hơn và ý nghĩa hơn. Người Việt Nam có một năng lượng mạnh mẽ và thái độ tích cực trong cuộc sống. Họ năng động, chịu khó trong công việc nhưng sẵn sàng dừng lại để nghỉ ngơi, tìm sự cân bằng.


Đá cầu

Barbara thường vẽ tĩnh vật, nhưng lần này bà vẽ chuyển động. Những con người bình thường đang làm những công việc, hoạt động thường ngày, nhưng theo Barbara Pellizzari, tư thế, dáng vẻ của họ sống động, mang tính biểu cảm cao. Bỏ đi bối cảnh nền của bức ảnh/tranh, ta có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự, ở bất kỳ đâu trên dải đất hình chữ S. Các nhân vật trong tranh thu hút sự chú ý của người xem bởi màu sắc và ánh sáng. Mỗi tác phẩm của Barbara là sự kết hợp 3 kỹ thuật: chụp ảnh, vẽ và cắt dán. Từ bức ảnh đã chụp, bà vẽ lại nhân vật, rồi sử dụng kỹ thuật cắt dán giấy màu in thủ công để thiết kế trang phục với những họa tiết gần gũi mà độc đáo như hoa, lá, chai bia, bao thuốc, bát phở... sau đó khoác lên nhân vật. Tuy nhiên, Barbara khẳng định, kỹ thuật chỉ là một phần, quan trọng hơn là tìm được sự cân bằng, hài hòa trong tổng thể bức tranh; đồng thời thể hiện sự gắn kết của họa sỹ với văn hóa, xã hội Việt Nam. Ở triển lãm lần này, Barbara sử dụng chất liệu giấy dó, thường dùng trong mỹ thuật dân gian Việt Nam. Tôi thích thử nghiệm nhiều loại chất liệu khác nhau, nhất là chất liệu tại những nơi mà tôi sống và sáng tác. Đây cũng là một cách tôi tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Giấy dó là một chất liệu nghệ thuật hiệu quả, có thể giúp cho bức tranh có màu sắc sắc nét hơn...

Đưa người xem bước vào suy nghĩ và giấc mơ của từng nhân vật trong tranh, họa sỹ Barbara Pellizzari mong muốn các tác phẩm của mình sẽ góp phần giúp khám phá ý nghĩa trong những khoảnh khắc thường nhật ở đất nước Việt Nam xinh đẹp. Đó là những khoảnh khắc thú vị và yên bình mà bà mới chỉ khẽ chạm vào.


Trên phà

Barbara Pellizzari sinh tại Torino, Italy, tốt nghiệp ngành Thời trang, Thiết kế sân khấu và Bảo tồn di sản hội họa. Bà đã làm việc trong lĩnh vực phục chế nghệ thuật với một số Viện Nghệ thuật tại Mỹ, Áo, Pakistan và Trung Quốc, sau đó giảng dạy nghệ thuật tại Thượng Hải, Bắc Kinh. Từ tháng 9.2012, bà và gia đình chuyển tới sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Bà đang thực hiện các dự án nghệ thuật cho trẻ em đường phố ở quận Bình Thạnh. Bà đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, trong đó có Hàng hóa (Cargo) tại TP Hồ Chí Minh năm 2013.

Nhật Linh