Việt Nam dẫn đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 16:29 - Chia sẻ
Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Theo đó, 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus, và 90% số người điều trị đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus. Thông tin trên được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết tại buổi gặp mặt báo chí nhằm cung cấp thông tin mới, giải đáp vướng mắc về công tác phòng, chống HIV/AIDS tổ chức sáng 8.11.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã triển khai mô hình phòng chống dịch dựa trên mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Chính phủ với các tổ chức cộng đồng. Các tổ chức và nhóm cộng đồng này hiểu rõ và có thể tiếp cận các nhóm đích và là hạt nhân trong việc tìm kiếm các ca nhiễm mới và kết nối họ với các dịch vụ điều trị.

Theo Phó Giám đốc CDC Việt Nam Paula Morgan: Chương trình điều trị, phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã có được những thành quả về tải lượng virus là vô cùng đáng ngưỡng mộ. Tỷ lệ đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus là 95% đối với những người đang điều trị bằng ARV. Trên thế giới hiện nay, chỉ có duy nhất vương quốc Anh có tỷ lệ ức chế virus cao hơn Việt Nam. Việt Nam đã đi trước nhiều nước trên thế giới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đã chuyển được từ việc nghiên cứu khoa học sang thành kết quả thực tế trong áp dụng điều trị K=K. Thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã và đang được rất nhiều quốc gia khác học hỏi như Ấn Độ, Campuchia, Nigeria…


Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long phát biểu

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân là do hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng tăng trở lại, cũng như sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam lại có xu hướng gia tăng.

“Chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS, thì chúng ta phải giảm số lượng người nhiễm HIV mới hàng năm xuống dưới 1000 trường hợp, thực tế hiện nay hàng năm chúng ta vẫn phát hiện được hơn 10.000 người nhiễm HIV, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu mong muốn.” Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT tăng từ 40% trong năm 2014 lên 89% năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Mặc dù Việt Nam là đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân, song vẫn còn tồn tại những khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ BHYT điều trị HIV/AIDS. Nhiều người bệnh nhiễm HIV/AIDS không muốn sử dụng BHYT vì lo ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú còn nhiều bất cập. Còn nhiều vướng mắc trong thanh toán, phân phát chi trả thuốc ARV.

Mặc dù các tổ chức trong nước, quốc tế và chính quyền, các ngành chuyên môn ở địa phương rất nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống HIV/AIDS cho bản thân và cộng đồng, nhưng tại các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… do khó khăn đặc thù: địa hình, điều kiện sống, nhận thức hạn chế và đặc biệt là tệ nạn nghiện các chất ma túy diễn biến phức tạp, khiến công tác phòng chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.

Để đẩy nhanh tốc độ đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cần được tiếp tục tăng cường và triển khai rộng hơn. Công tác truyền thông cần được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung và kết quả đã nâng cao được hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép triệt để truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động chung của ngành y tế và các ban ngành đoàn thể để tăng hiệu quả của thông tin, truyền thông. Kết hợp truyền thông thay đổi hành vi và vận động xã hội nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Xuân Tùng