Viết gì khi viết về Hà Nội?

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:12 - Chia sẻ
Bao năm qua, những sáng tác về Hà Nội đều đặn ra mắt công chúng. Không phải ngẫu nhiên nhiều tác giả luôn ưu ái dành một góc văn chương của mình để viết về Hà Nội, bởi tình yêu, sự mến thương và cảm giác gắn bó với mảnh đất Thăng Long xưa.

10 năm sau đại lễ 1000 năm, Cuộc vận động sáng tạo văn học nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội mới được tổ chức (đang xét chọn vòng chung khảo) nhằm tìm ra những góc nhìn mới về Thủ đô văn hiến. Nhưng câu chuyện viết gì khi viết về Hà Nội thì đã được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm đặt ra từ lâu.

Lâu nay Hà Nội vẫn là đề tài hấp dẫn các nhà văn.
Ảnh: H.Đăng

Cảm giác gắn bó bền bỉ

“Nói về Hà Nội, tôi thấy trong các câu chuyện, có nhiều hàng ăn quá, rồi phố xá, mọi thứ cứ bảng lảng… Tôi là người con Hà Nội lớn lên, ra đi và trở về, nên tôi muốn người ta nhìn Hà Nội vừa thấy phố, vừa thấy nhà, vừa thấy cả con người trong đó nữa”, nhà văn Trung Sỹ bày tỏ như vậy về cuốn sách “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” (2019). Không riêng nhà văn Trung Sỹ mà nhiều tác giả luôn ưu ái dành một góc văn chương của mình để viết về Hà Nội, bởi tình yêu, sự mến thương và cảm giác gắn bó bền bỉ với mảnh đất Thăng Long xưa. Những mẩu chuyện về con người, cảnh vật, văn hóa thủ thỉ trong mỗi trang viết, ban đầu tưởng như vụn vặt và cũ kỹ, nhưng những lát cắt ấy lại cho độc giả một cái nhìn thật gần gũi về Hà Nội.

Đã có một Hà Nội huyền diệu, thanh lịch, êm đềm, nguyên sơ ở nhiều cung bậc khác nhau hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Tô Hoài…, lại được tiếp nối với Hà Nội của những đổi thay thế sự gắn với những trải nghiệm muôn mặt từ đời sống cá nhân qua những trang viết của các nhà văn đương đại như Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Lê Minh Hà… Đó là những khám phá, soi chiếu qua đôi mắt đầy hoài niệm và suy nghĩ. Như nhà văn Uông Triều từng nói: “Hà Nội đang trưng ra tất cả những nhếch nhác của nó”, nhưng người ta vẫn nhận thấy tình yêu Hà Nội ăm ắp trên trang văn của anh. Những món ngon đặc trưng của Hà Nội không phải ở những cửa hàng sang trọng mà từ cái đông đúc, lam lũ, luộm thuộm trong nắng trưa, chiều muộn, chật chội, đông đúc mà gây thương nhớ của quán xá phố phường.

Hà Nội với Phạm Ngọc Tiến lại là những kỷ niệm hài hước đến mức tréo ngoe. Câu chuyện về “liễn mỡ Hà Nội” đã đi vào truyện ngắn mà nhiều người tưởng lầm là hư cấu. Nhà văn kể: “Khoảng cuối năm 1972, đơn vị cao xạ đóng ở Nam Định, một lần nhận nhiệm vụ về Hà Nội bảo vệ tên lửa tại Thường Tín, tôi tranh thủ về nhà, một là vì nhớ, hai là tiện vét ít đồ ăn. Thời đấy túi nylon hiếm, tôi ôm luôn cả liễn mỡ bỏ vào ba lô đến đơn vị. Ai ngờ giữa đường báo động khẩn, tôi ném ba lô chui vào hầm, thế là cái liễn mỡ đổ toang ra ngấm cả đất cả bụi, tôi bốc lại hết. Về đến đơn vị thì luộc ba lô lên, hớt mỡ nổi với một ít tóp mỡ, vừa buồn cười vừa khổ”.

Theo nhà văn Uông Triều, những trang văn nuôi dưỡng hình ảnh về Hà Nội theo cách đặc biệt, đôi khi tạo nên thói quen khó thay đổi đối với nhiều người đọc. Anh vẫn thường đi tìm kiếm, lần đến các địa danh trong sách vở, vẫn thường cảm nhận qua cái nhìn của nhiều người cầm bút viết về Hà Nội. “Có sự hài hòa như thể một góc nào đấy chúng ta đọc những cuốn sách về Hà Nội, thấy những chủ đề đó cũng thể hiện tình yêu của chính ta về mảnh đất này”.

Giá trị không lặp lại

Hà Nội với di sản văn hóa hàm chứa bên trong trở thành mảnh đất màu mỡ cho sáng tác. Nhưng một gia tài đồ sộ với nhiều tác phẩm kinh điển về Hà Nội có thể tạo áp lực cho những cây bút mới. Không sai khi nói rằng Hà Nội là nguồn cảm hứng lâu đời của văn chương nghệ thuật, càng không sai khi khẳng định nhiều tên tuổi thành danh, được độc giả nhớ mặt gọi tên từ những ấn phẩm về mảnh đất này. Nói như vậy, nhà văn Trung Sỹ nhấn mạnh về vấn đề đặt góc nhìn cho tác phẩm. Ông đúc rút: “Mỗi người sẽ nhìn thành phố quê hương của mình một cách khác nhau, đó chính là điểm không lặp lại. Với một đối tượng đã quen thuộc như Hà Nội, quan trọng là ta viết như thế nào”.

Giá trị không lặp lại là điều khiến sáng tác về Hà Nội vẫn ra đời và chinh phục độc giả suốt bao nhiêu năm qua. Đơn cử, nhà văn Đỗ Phấn có tới mấy chục tác phẩm viết về Hà Nội nhưng người đọc vẫn tìm thấy ở mỗi cuốn sách một chất Hà Nội mãnh liệt hiện lên dưới góc nhìn phong phú, giàu cung bậc cảm xúc. Ông tâm sự, gia phả dòng họ mình sống tại Hà Nội đến nay là được 14 đời, kỷ niệm về Hà Nội không thể nào đếm xuể, ấy là chất liệu quan trọng cho văn chương. Nhưng càng viết nhiều, ông càng đặt ra những tiêu chí khắt khe. “Hà Nội đúng là có nhiều cái để viết, khảo cứu cũng rất nhiều, nhưng những khảo cứu đã có rồi không nên đề cập lại, còn với những sáng tác mới đơn thuần kiểu tả tình, tả cảnh, than oán kể khổ, tôi cho là không nên. Giá trị của Hà Nội cao hơn điều đó rất nhiều”.

Theo nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội luôn là đối tượng khó viết. Khó ở đây không đơn giản là am hiểu hay không am hiểu, mà bởi Hà Nội giống như một thực thể, một con người có số phận riêng, cuộc đời riêng. “Có lúc tôi đặt câu hỏi, nếu không phải người Hà Nội, mình có viết tiếp được về Hà Nội không? Có lẽ không bao giờ hết những thứ để viết. Chúng ta có thể viết về mọi thứ trên đời khi sống ở Hà Nội và cũng có thể viết về mọi thứ trên đời khi chúng ta không sống ở Hà Nội nhưng đang nghĩ về Hà Nội. Miễn là làm sao để Hà Nội là một sự tổng hòa, lắng đọng của cả đất nước chứ không chỉ là một ý nghĩa địa lý đơn thuần”.

Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Thăng Long xưa - Hà Nội nay đã tồn tại 1010 năm, tiệm cận giá trị văn hóa đó chính là điểm tựa để khai thác những điều mới mẻ trong văn học, theo cái cách mà trong “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải đã tâm tư về mảnh đất này: “Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho một lứa tuổi… Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.

Hải Đường