Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Việc thực hiện chủ yếu dựa vào sự tự nguyện mà có nhiều điều bắt buộc là không hợp lý

- Thứ Năm, 22/05/2014, 15:47 - Chia sẻ
Dù đã có nhiều cố gắng và tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH nhưng dự thảo luật chủ yếu mới chỉ tập trung cho những điều chỉnh về thủ tục hành chính và khắc phục những sai sót để kiểm soát quỹ được tốt hơn, chưa có những đột phá căn bản về cơ chế quản lý tài chính về chất lượng do đó vẫn còn rất nhiều vấn đề về chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khả năng cân bằng quỹ. Những vấn đề này nếu không được khắc phục thì có lẽ chỉ sau một thời gian không lâu nữa sẽ lại phải đặt vấn đề sửa luật.

ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông): Tại sao lại bắt buộc toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi công tác này còn nhiều bất cập chưa được được giải quyết?
 
Về quy định bảo hiểm y tế bắt buộc tại Khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, tôi đã hơn một lần hoàn toàn thống nhất với quy định bảo hiểm y tế bắt buộc đối với mọi đối tượng ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về việc áp dụng nguyên tắc bắt buộc là điều kiện để thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân có ý nghĩa nhân văn to lớn, chia sẻ trách nhiệm trong cả cộng đồng. Tuy nhiên, ở quy định này tôi thấy băn khoăn về tính khả thi, tính thuyết phục của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sao có thể cứ bắt buộc toàn dân phải tham gia bảo hiểm y tế trong khi công tác này còn nhiều bất cập lớn, chưa đưa ra được giải quyết có tính chiến lược, dứt điểm để tạo điều kiện tiền đề cho bảo hiểm y tế toàn dân. Bất cập đó đã được nêu ở Kỳ họp thứ Sáu, tôi xin được nêu lại một vài vấn đề cụ thể.


Bất cập về việc đóng và hưởng bảo hiểm y tế, về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Chúng ta phải xác định rằng quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế khi mức đóng bảo hiểm y tế như nhau, khi có bệnh muốn được hưởng dịch vụ y tế tin cậy thì không thể chê trách. Hơn nữa khi đóng bảo hiểm y tế như nhau người tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước phải được hưởng dịch vụ y tế không chênh lệch nhiều. Chúng ta sẽ không ủng hộ cho việc khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, nhưng không thể chối bỏ được một thực tế rằng không mấy đối tượng muốn đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến làm gì, ở đây tôi không đề cập đến đối tượng có những điều kiện kinh tế muốn có các yêu cầu về khám chữa bệnh ở mức cao hơn. Số đông người bệnh khi phải đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vì nhiều lý do, trong đó có lý do chính đáng như chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó ở Báo cáo tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 657 UBTVQH Khóa XIII ngày 19/5/2014 vẫn giữ quy định với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao với các lý do sau: quy định này nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý. Hiện nay các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này sẽ làm tăng đột biến số lượng người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, cũng như tăng thêm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

Với các lý do trên thay vì nghiên cứu bỏ quy định về tuyến khám chữa bệnh ở Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là sửa đổi mức chi trả cho bệnh nhân vượt trái tuyến từ ở mức 30%, 50%, 70% cả nội ngoại trú xuống 20%, 50% và 70%, các lý do trên theo tôi chưa thuyết phục. Nếu vì lý do nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, lý do này hầu hết người dân sẽ là người trực tiếp rất lo lắng, tính toán kỹ lưỡng cho vấn đề đi khám chữa bệnh hơn là chúng ta.

Nếu vì lý do các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế thì việc người bệnh đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là quá hợp sao lại hạn chế. Nếu nhìn nhận vào thực tế là chẳng mấy ai muốn khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, nhìn vào nỗi trần ai người dân phải chịu đựng khi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên bị quá tải, chúng ta xác định rằng xác định hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên phần lớn phải thuộc về các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, chịu trách nhiệm này ở chỗ là chưa tạo được độ tin cậy về việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới, chưa rút ngắn được khoảng cách về trình độ chuyên môn, kỹ thuật y tế của các bệnh viện tuyến bệnh viện. Tôi thấy rằng phải nhìn thẳng vào các bất cập trên, đó chính là các rào cản để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Một dự án luật sửa đổi, bổ sung mang tính nhân văn to lớn, việc thực hiện chủ yếu dựa vào sự tự nguyện mà có nhiều điều bắt buộc là không hợp lý, đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc. Trong cùng một bệnh viện khi cùng một loại bệnh thì người đóng bảo hiểm y tế chỉ được dùng thuốc có quy định của bảo hiểm y tế, còn bệnh nhân khác thì bệnh viện cho uống loại thuốc khác. Như vậy theo tôi cần sửa đổi, bổ sung cụ thể một số vấn đề cấp thiết, tôi xin mạo muội đề xuất một số giải pháp để Ban soạn thảo có thể nghiên cứu thêm là chúng ta cần phải giải quyết vấn đề bất cập về chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi của trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, bảo đảm tính công bằng của các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trước tiên phải chấp nhận bỏ quy định về tuyến khám, chữa bệnh để thực hiện cho được chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân. Còn các bất cập về chất lượng khám, chữa bệnh quá tải ở các bệnh viện tuyến trên bắt buộc phải khắc phục sớm nhất, bắt buộc phải thực hiện vấn đề này trước khi bắt buộc mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế. Chúng ta cứ bắt buộc người dân trong khi chúng ta không phải bị bắt buộc điều gì, chắc chắn rằng khi bỏ quy định này thì việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân sẽ được sự tham gia của toàn xã hội, có lẽ cũng không cần phải bắt buộc nữa. Khi chất lượng của việc khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu cũng chẳng ai muốn vượt tuyến, trái tuyến làm gì, trừ khi bệnh viện chuyển tuyến. Phải đưa ra các chế tài đủ nghiêm khắc cho người không tham gia bảo hiểm y tế, các chế tài cho các cá nhân, đơn vị vi phạm Luật Bảo hiểm y tế, để bảo đảm tính khả thi của luật; phải ngăn chặn, chấm dứt ngay vấn đề y đức…
 
ĐBQH Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái): Bảo hiểm y tế bắt buộc phải song hành với bảo hiểm y tế bổ sung
 
Về quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, Khoản 1, Điều 2, tôi tán thành với quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện bởi những lý do sau. Việc quy định không bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế sẽ có nhiều nhóm đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao, kinh tế ổn định nhưng không tham gia bảo hiểm y tế, mà chỉ có những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đã mắc bệnh nặng, hiểm nghèo phải chữa trị dài hạn mới tham gia bảo hiểm y tế đã tạo nên sự lựa chọn ngược, làm mất khả năng cân đối quỹ, ảnh hưởng đến tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế.

Thực tế cho thấy vì không quy định bắt buộc nên đã có khá nhiều người không tham gia bảo hiểm y tế, khi phát hiện mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư muốn tham gia bảo hiểm y tế thì không được tham gia, dẫn đến nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chữa trị cho người bệnh, phải chữa trị cầm chừng, thậm chí vì hoàn cảnh gia đình mà họ phải buông xuôi với bệnh tật. Do vậy, tôi đồng tình cao với nguyên tắc của bảo hiểm y tế là chia sẻ rủi ro, dự thảo luật đã bổ sung Khoản 8, Điều 2 xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản chi trả cho những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe phù hợp với khả năng chi trả bảo hiểm y tế. Đây là một điểm mới hết sức quan trọng và cần thiết để người tham gia bảo hiểm y tế thấy rõ được quyền lợi và tạo sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm y tế. Nhưng nếu quy định bảo hiểm y tế bắt buộc và gói dịch vụ y tế cơ bản thì chưa đủ, chưa bảo đảm đối với người có điều kiện kinh tế phát triển muốn tiếp cận với dịch vụ y tế cao hơn, vì vậy bảo hiểm y tế bắt buộc phải song hành với bảo hiểm y tế bổ sung.

Tôi đề nghị nhà nước cần có chính sách bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả dịch vụ theo yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ngoài dịch vụ y tế cơ bản sẽ thu hút được đông đảo người dân tham gia hơn, đặc biệt người dân tham gia khám, chữa bệnh ở nước ngoài và phù hợp với mọi đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Để thực hiện được hình thức bắt buộc đối với bảo hiểm y tế thì nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia nâng cao y đức, chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Đồng thời có chế tài xử phạt đối với cơ quan, tổ chức không tham gia bảo hiểm y tế và khuyến khích mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Về trách nhiệm quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, Điều 34, tôi nhất trí với quy định Quỹ bảo hiểm y tế được giao cho Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, tập trung thống nhất công khai, minh bạch có sự quản lý trong hệ thống tổ chức bảo hiểm y tế. Về sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, Khoản 1, Điều 35 quy định phân bổ và sử dụng quỹ, 90% số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho khám, chữa bệnh, 10% dành cho Quỹ dự phòng quản lý bộ máy tổ chức bảo hiểm y tế, trong đó dành tối thiểu 5% cho Quỹ dự phòng. Tôi cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật, tuy nhiên phần trăm dành cho quản lý phát triển mạng lưới, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần được quy định cụ thể, có thể giao cho UBND tỉnh quản lý, phân bổ phù hợp với điều kiện của từng địa phương và với nhiệm vụ của từng ngành tham mưu.
 
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh): Không nên gói gọn trong việc khám, chữa bệnh mà phải hướng tới các lĩnh vực khác trong y tế dự phòng
 
Khi đóng góp cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tôi nghĩ tập trung vào 3 vấn đề: thứ nhất là chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thứ hai là thủ tục hành chính còn phiền hà cho người dân; thứ ba là tài chính, tức là nguy cơ vỡ quỹ.

Phải nói Ban soạn thảo đã có rất nhiều cố gắng và cũng đã tiếp thu rất nhiều ý kiến nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì kết quả của dự thảo luật lần này chủ yếu mới chỉ tập trung cho những điều chỉnh về thủ tục hành chính và khắc phục những sai sót để kiểm soát quỹ được tốt hơn, chưa có những đột phá căn bản về cơ chế quản lý tài chính về chất lượng do đó vẫn còn rất nhiều vấn đề về chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khả năng cân bằng quỹ, có lẽ chỉ sau một thời gian không lâu nữa chúng ta sẽ lại phải đặt vấn đề sửa luật. Tôi cũng hiểu đây là do hoàn cảnh hiện tại nhưng theo tôi nên có những điều khoản mở để có thể từng bước áp dụng trong tương lai mà không cần sửa luật.

Thứ nhất, phạm vi bảo hiểm y tế, như tên gọi đây là Luật Bảo hiểm y tế, do đó không nên gói gọn trong việc khám, chữa bệnh như toàn thể luật này biểu hiện mà phải hướng tới các lĩnh vực khác trong y tế dự phòng, trong đó có vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ em, phục hồi chức năng... để có cơ sở xây dựng các cơ chế tài chính đầu tư một cách đồng bộ và tránh việc phân chia nhiều nguồn, do đó, một số chương trình bị cắt giảm hoặc bỏ quên như hiện nay.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng đánh giá độc lập, không "vừa đá bóng, vừa thổi còi" như hiện nay đối với ngành y tế. Đây cũng là một dịch vụ, cho nên rất cần việc đánh giá chất lượng.

Thứ ba, đó là mức đóng bảo hiểm y tế. Chúng tôi ghi nhận đã có bảo hiểm y tế bắt buộc cho gói dịch vụ y tế cơ bản do Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, mức phí bảo hiểm y tế bắt buộc này nên đa dạng hóa theo thu nhập của các đối tượng như hiện giờ đang áp dụng, học sinh thì đóng khác, người lao động với mức lương khác nhau thì đóng khác và nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách thì có một mức chung. Nhưng nên phân biệt giữa nghèo, cận nghèo, nên đa dạng hóa mức phí, sau đó khi chi trả thì quyền lợi như nhau, không nên đặt vấn đề sau khi có được bảo hiểm y tế cơ bản này thì lại tính đồng chi trả mỗi đối tượng bao nhiêu % thì phức tạp và không ai làm như thế trên thế giới. Tôi đề nghị nếu có ưu tiên, ưu đãi hay xét chính sách gì thì xét trong mức đóng phí, không xét về đồng chi trả sau này.

Luật cần có quy định về các loại hình bảo hiểm bổ sung vì trên thực tế đã có, nhưng nó còn tự phát để huy động các nguồn lực xã hội và nhiều loại hình như thế này thì người dân có thể tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe, nhu cầu chăm sóc để lựa chọn sẽ công bằng hơn. Hiện nay phân tích thêm, tôi nhận thấy nhà nước vẫn là chủ thể đóng bảo hiểm y tế nhiều nhất và nhà nước không thể chi trả bảo hiểm y tế đúng với giá trị thực tế của giá trị y tế khám, chữa bệnh. Do đó, dẫn đến chất lượng không bảo đảm, về bản chất phần nào vẫn giống với thời bao cấp miễn phí y tế trước đây chỉ khác là phát sinh thêm bộ máy quản lý Quỹ bảo hiểm y tế và các thủ tục hành chính. Cho nên, giá viện phí, bảo hiểm y tế phải được đưa về giá trị thực, không áp đặt và không có sự chênh lệch với giá dịch vụ, tức là không thể chấp nhận tồn tại trong một cơ sở y tế mà 2 loại giá khác nhau, sau đó lại thấy nó là một mầm mống rất dễ phát sinh, việc phân biệt đối xử và việc không bảo đảm chất lượng không công bằng. Cho nên phải đưa về một giá để bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững và giá này thì phải đúng với giá trị thực. Đây cũng là biện pháp căn cơ để người dân thấy được lợi ích và tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, lúc đó không cần đặt ra vấn đề bắt buộc.
 
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp): Cần có sự phân tầng trong mức đóng hàng tháng đối với bảo hiểm y tế tự nguyện
 
Tôi thống nhất với việc Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Riêng người thuộc hộ gia đình nghèo theo tôi cần phân ra 2 dạng là thanh toán 100% cho hộ gia đình nghèo khám, chữa bệnh nặng, chi phí cao và dạng thứ hai là thanh toán 95% cho người thuộc diện hộ nghèo khám, chữa bệnh thông thường, có như thế sẽ hạn chế được tình trạng ỷ lại và cũng là một trong những ưu đãi đối với hộ nghèo, tạo nên một tâm lý các hộ nghèo không muốn phấn đấu để thoát nghèo, vì đây là một kết quả vừa qua trong quá trình giám sát, thực hiện chính sách giảm nghèo của giai đoạn vừa qua cũng đã thể hiện rõ phần này.
 
Vấn đề thứ hai là nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa về mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, tôi nhận thấy việc sửa đổi luật lần này cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các thành phần ngoài nhà nước tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm y tế tự nguyện. Vì thực tế trong lĩnh vực khám và điều trị ở các cơ sở y tế tư nhân cũng đã có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội để khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay các loại hình bảo hiểm khác cũng đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia, thậm chí là các công ty nước ngoài. Vậy thì lĩnh vực bảo hiểm y tế vẫn còn độc quyền, chưa cho các thành phần khác cùng tham gia. Từ những thực tế trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo và UBTVQH nghiên cứu xem xét để có những quy định vào trong dự thảo lần này, nhằm tạo điều kiện khuyến khích các thành phần khác trong xã hội được tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Vấn đề thứ ba là mức đóng bảo hiểm y tế theo dự thảo tối đa bằng 6% cho các loại đối tượng. Theo tôi cần có sự phân tầng trong mức đóng hàng tháng đối với bảo hiểm y tế tự nguyện sao cho linh hoạt, có từng mức đóng khác nhau và kèm theo đó là từng mức hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế cũng tương ứng theo để nhằm mục đích và tạo điều kiện cho các tầng lớp trong xã hội được tự lựa chọn mức đóng khi tham gia bảo hiểm y tế. Mục đích của việc này sẽ tạo sự thu hút cho các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện ở nước ta. Vậy thì có ý kiến cho rằng sẽ phát sinh sự phân biệt, đối xử trong vấn đề này, tôi thiết nghĩ đây là vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của những người có thẩm quyền ở các cơ sở y tế công lập. Có một thực tế cùng là người được thụ hưởng các dịch vụ bảo hiểm y tế, nhưng ở hai nơi có sự khác nhau, đó là cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, chúng ta thấy rõ thái độ ứng xử, phục vụ khác nhau, thậm chí có những người có điều kiện kinh tế dù có bảo hiểm y tế nhưng khi khám, chữa bệnh họ sẵn sàng bỏ tiền ra để hưởng theo yêu cầu dịch vụ ở các cơ sở y tế, đây là sự thật. Do đó, trong dự thảo tôi đề nghị cần có sự phân tầng trong mức đóng và mức hưởng thụ dịch vụ bảo hiểm y tế, có như thế sẽ hạn chế tình trạng ban ơn, xin cho trong khám và điều trị bằng thẻ bảo hiểm y tế.
 
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): Việc cấp thẻ có thể thực hiện ở một địa phương nhưng việc khám chữa bệnh phải được thực hiện linh hoạt
 
Tôi đồng tình với dự thảo luật quy định về bảo hiểm y tế là bảo hiểm bắt buộc, mọi người đều có trách nhiệm tham gia vì lợi ích của bản thân và xã hội. Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi cao, tôi đề nghị bên cạnh công tác tuyên truyền vận động luật cũng cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để xử lý các trường hợp trốn tránh trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế. Ví dụ người không tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo giá dịch vụ, tính đủ cho các chi phí cần thiết không phải theo giá vẫn còn bao cấp trong cơ sở y tế công lập hiện nay để buộc họ phải có trách nhiệm hơn với xã hội.

Bên cạnh đó cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục mua bảo hiểm y tế như các loại hình bảo hiểm thương mại khác, đơn giản hóa việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, thủ tục khám chữa bệnh và đặc biệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế hiện nay. Đề nghị việc cấp thẻ có thể thực hiện được ở một địa phương, nhưng việc khám chữa bệnh đề nghị phải được thực hiện linh hoạt để đảm bảo giải quyết cho mọi người dân có thể tiếp cận được các cơ sở khám chữa bệnh một cách thuận tiện. Từ những biện pháp, kiến nghị trên tôi tin tưởng việc quy định bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ không là gánh nặng và sẽ không là vấn đề gì vướng mắc trong nhận thức cũng như việc triển khai Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Thứ hai, về xử lý kết dư Quỹ bảo hiểm y tế. Dự thảo luật quy định những tỉnh, thành phố có kết dư Quỹ bảo hiểm y tế được hoạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung. Tôi cho quy định như vậy chưa thực sự hợp lý, khó gắn trách nhiệm của đơn vị địa phương đối với công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế. Thực tế những năm qua các tỉnh có kết dư Quỹ bảo hiểm y tế chủ yếu là các địa phương còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân kết dư bên cạnh công tác quản lý chặt chẽ phòng, chống lạm dụng quỹ bảo hiểm có hiệu quả cũng có nguyên nhân cơ bản là do người dân quá khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế, thể hiện ở hệ số sử dụng số thẻ bảo hiểm y tế của các khu vực này thấp hơn rất nhiều so với hệ số sử dụng thẻ bảo hiểm y tế ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh ở những địa phương này còn rất hạn chế, trang thiết bị thiếu, lạc hậu, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ còn hạn chế, định mức và thực chi cho công tác khám, chữa bệnh thấp hơn các địa phương có sự phát triển. Chính từ những lý do trên mà việc kết dư Quỹ bảo hiểm ở các đơn vị địa phương này rất lớn. Thiết nghĩ việc sử dụng kết dư Quỹ bảo hiểm để hỗ trợ các địa phương này nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân là điều hợp lẽ. Vì vậy, đề nghị luật quy định sau khi quyết toán được cơ quan nhà nước phê duyệt thì địa phương có kết dư được trích lại 50% để bổ sung vào ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác bảo hiểm y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cơ hội bình đẳng về tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế đối với những người dân ở địa phương này.

Minh Vân lược ghi