Chính sách và cuộc sống

Việc chẳng đặng đừng

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:26 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Tám tới, có lẽ, QH sẽ phải làm một việc “chẳng đặng đừng”, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1.7.2011 - 31.12.2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1.1.2013 - 31.8.2017).

Theo báo cáo tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế cuối tuần trước, số tiền miễn/không thu này tính sơ sơ cũng lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nói là việc “chẳng đặng đừng” bởi nếu QH chấp thuận đề nghị của Chính phủ thì ngân sách nhà nước sẽ bị thất thu một khoản không nhỏ. Nhưng nếu QH không chấp thuận, buộc phải truy thu khoản tiền này để giữ nghiêm kỷ luật ngân sách, kỷ cương pháp luật thì hệ quả, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, “sẽ lớn hơn số tiền thu được”. Lý do là bởi, trong giai đoạn Chính phủ đề xuất, các doanh nghiệp đều đã quyết toán tài chính, đã nộp thuế, trả lương, chia tiền thưởng Tết cho người lao động, chia cổ tức, chưa kể đã có nhiều mỏ đóng cửa, nhiều công ty giải thể... Việc truy thu số tiền này vừa không khả thi vừa ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của nước ta.

Điều đáng nói là, nguyên nhân chính đẩy QH vào tình thế “lưỡng nan” này lại là do Chính phủ chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước. Cụ thể là, Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011 nhưng phải gần 3 năm sau, Chính phủ mới ban hành được Nghị định số 203 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Với Luật Tài nguyên nước thì tình trạng còn tệ hơn khi Luật có hiệu lực ngày 1.1.2013 nhưng phải sau gần 5 năm, Chính phủ mới ban hành được Nghị định số 82 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nếu tính chi li, mỗi ngày chậm ban hành Nghị định 203, ngân sách nhà nước bị thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng, con số tương ứng với Nghị định số 82 là gần 1 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu QH không truy thu số tiền kê trên thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Khâu nào, cơ quan nào đã khiến cho 2 Nghị định này lại bị “treo” đến mấy năm trời như vậy? Liệu có thể truy đến cùng trách nhiệm của các bên liên quan không hay sẽ lại “rút kinh nghiệm” rồi “hòa cả làng”?

Ngay trong phiên họp sáng 12.8, Chính phủ báo cáo UBTVQH về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước cho Hà Tĩnh, Quảng Bình từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Kuwait với giá trị 250 nghìn USD. Điều đáng nói là, khoản viện trợ này đã được Chính phủ Kuwait chuyển vào ngân sách trung ương từ năm 2018 và “nằm ở đó” cho đến ít nhất là tháng 10 tới khi QH xem xét, quyết định dù khoản viện trợ là để dành cho mục đích rất cấp bách: Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt. Còn tại Phiên họp thứ 35 (tháng 7.2019), UBTVQH cũng đã phải cho ý kiến về việc sử dụng kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 với số tiền là 518.389 triệu đồng (518,389 tỷ đồng) mà nguyên nhân cũng là bởi khâu tổ chức thực hiện. Chính phủ nêu rõ, nếu QH không cho phép các địa phương kéo dài thời gian thanh toán, thực hiện thu hồi số kinh phí này về quỹ dự phòng chung theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì theo quy định tại các Điều 13, 360, 361 và 419 Bộ luật Dân sự, các địa phương sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho đơn vị cung cấp tài sản, bao gồm các chi phí theo giá trị tài sản nhập khẩu; chi phí bảo quản, vận chuyển, lắp đặt, bàn giao, chạy thử; chi phí lãi tiền vay trả cho ngân hàng và các khoản chi phí phát sinh khác có liên quan theo quy định của Tòa án… Các địa phương này cũng sẽ buộc phải điều chỉnh bố trí dự toán năm 2019 để có nguồn thanh toán, dẫn đến khó khăn, bị động. Dù ý thức rất rõ hậu quả như vậy nhưng trong năm 2017, 2018, Chính phủ cũng không báo cáo UBTVQH, QH về vấn đề này.

Những ví dụ như vậy cho thấy, dù QH có quyết định thông qua đề xuất của Chính phủ hay sẽ truy thu số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hay không, thì một việc không thể không làm là phải truy trách nhiệm đến cùng. Tất nhiên, điều này không dễ bởi nếu soi vào quy trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật hay việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật hiện nay, thì tình trạng “đá bóng trách nhiệm” giữa các cơ quan là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, ở góc độ xây dựng quy trình lập pháp, lập quy, câu chuyện về việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước chính là ví dụ điển hình cho thấy phải xác lập trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan để nếu có xảy ra những tình huống tương tự sẽ truy được rõ ràng, minh bạch. Với các cơ quan của QH, cũng phải giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các điều khoản, nội dung được QH ủy quyền hướng dẫn, quy định chi tiết cho Chính phủ để kịp thời đôn đốc, xử lý.

Nguyễn Bình