50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) - Tầm vóc vĩ đại của tác phẩm bất hủ

Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng

- Thứ Tư, 28/08/2019, 08:03 - Chia sẻ
Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng ta công bố năm 1989 cho thấy, tháng 5.1968, Người đã sửa và bổ sung nhiều nhất. Đặc biệt lần bổ sung này, Người đề cập tương đối toàn diện tới những công việc Đảng ta phải làm sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trong đó “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Nhu cầu sống còn của Đảng

Trong bề bộn công việc phải dự liệu, trù tính và tổ chức thực hiện ấy, Người đặc biệt quan tâm tới công việc có tính chất quyết định: Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Rõ ràng, trong quan niệm của Người, công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cốt tử trong việc bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa, vì Đảng là nhân tố quyết định đưa cách mạng giải phóng dân tộc lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm triệt để thực hiện sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

 Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của mỗi Đảng chính trị, nhất là ở những giai đoạn chuyển tiếp của cách mạng, trước tình hình, đặc điểm mới và yêu cầu công việc mới. Song đối với Đảng cầm quyền, một căn bệnh của đảng viên dễ xuất hiện khi chuyển từ giai đoạn chiến tranh sang xây dựng hòa bình, là tư tưởng xả hơi, hưởng thụ. Đây là lúc mà “cái tôi” thường được dịp lấn át cái chung trong mỗi con người.

Di chúc được viết giữa những ngày chiến tranh ác liệt, nhưng với kinh nghiệm của mình, Bác đã coi việc chỉnh đốn Đảng sau chiến tranh là nhu cầu sống còn của Đảng. Bởi Người đã hình dung ra những điều dễ mắc của người chiến thắng sau cuộc chiến. Do vậy, đồng thời với việc dự báo những khó khăn nảy sinh khi cách mạng chuyển giai đoạn, Người cảnh báo bệnh “kiêu ngạo cộng sản” và khẳng định sự cần thiết phải tạo môi trường lành mạnh để mỗi đảng viên hoàn thiện nhân cách con người.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất rõ mục đích chỉnh đốn Đảng để làm gì? Người viết: “Làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Người cũng chỉ rõ hai nguyên tắc trong chỉnh đốn Đảng. Đó là “đoàn kết”“thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Di chúc vẻn vẹn có 10 trang, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc tới 2 từ đoàn kết và Người coi giữ đoàn kết trong nội bộ Đảng quan trọng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên đều biết, trong 5 nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tự phê bình phê bình được xếp thứ 2 sau tập trung dân chủ (ba nguyên tắc còn lại là: Đoàn kết, thống nhất; Gắn bó mật thiết với nhân dân; Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật). Lịch sử gần 90 năm hoạt động của Đảng đã khẳng định rằng, chính nhờ thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc trên, trong đó có tự phê bình và phê bình, mà Đảng ta đã tồn tại và phát triển lớn mạnh, vượt qua bao sóng gió, kể cả những chiến dịch đàn áp khốc liệt của kẻ thù.    

Năm 1969, trong bài viết cuối cùng về xây dựng Đảng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng phải tăng cường giáo dục toàn diện về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Xưa nay viết điều gì, Người thường viết ngắn gọn, ít lặp câu chữ, vậy mà ở một đoạn ngắn trong Di chúc, Người đã lặp lại 4 chữ “thật”: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạọ, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây phải chăng chính là 4 gợi ý, 4 điều kiện để Đảng ta làm tròn nhiệm vụ cầm quyền. Bởi để cầm quyền, ngoài yếu tố kiên định đường lối, hay nói như cách của Người là “giữ chủ nghĩa cho vững”, tuân thủ nguyên tắc tập trung - dân chủ, điều quan trọng còn lại chính là 4 chữ thật ở trên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi dân chủ là cái chìa khóa vạn năng, trong Di chúc, Người lại dặn Đảng phải thường xuyênnghiêm chỉnh tự phê bìnhphê bình. Rõ ràng, theo Người, để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả, không có cách nào khác là phải thường xuyênnghiêm chỉnh.

Bây giờ ta hay dùng từ văn hóa, chúng tôi cho rằng có “văn hóa phê bình kiểu Hồ Chí Minh”. Năm 1947, khi viết Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trước hết bàn về mục đích của việc phê bình: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Từ mục đích hết sức cụ thể, rõ ràng, minh bạch như thế, Người chỉ ra cách thức phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không  phải phê bình người”. Điều Người dạy phê bình việc làm chứ không phải phê bình người, là một quan điểm nhân văn, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình như, khi nêu lên điều này, Người đã dự liệu tình huống một số người, đứng trước khuyết điểm của đồng chí, đồng đội thì: “Như đối với hổ mang, thuồng luồng” nhân “giậu đổ, bìm leo”, “đập cho tơi bời”, bới móc, xúc phạm đến nhân phẩm, cuộc sống đồng chí.  

Tháng 5.1966, khi bổ sung vào Di chúc đã đánh máy từ năm 1965, Người viết thêm một dòng: “Phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Năm 1968, khi làm việc với đồng chí Hà Huy Giáp, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.

Chắc rằng mỗi chúng ta, khi thực hiện phê bình theo cách Bác dạy ở trên, thì sau mỗi kỳ sinh hoạt Đảng, chắc chắn chi bộ đoàn kết hơn, mọi người sống với nhau thân ái hơn và từ đó hiệu quả công tác sẽ cao hơn.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh