Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Vị tướng có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo và quyết đoán

- Thứ Tư, 10/04/2019, 08:48 - Chia sẻ
Chia sẻ về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng VÕ SỞ, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết, từ thời kỳ làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 hay sau đó trên cương vị lãnh đạo các bộ, ngành, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều thể hiện là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, rất sáng tạo và quyết đoán. Vị tướng huyền thoại của đường Trường Sơn ấy chưa bao giờ thôi suy nghĩ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Luôn sâu sát với thực tế

- Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ chức vụ Tư lệnh Bộ chỉ huy 559 cũng là lúc quân đội Mỹ tập trung đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn. Xin ông cho biết những đóng góp của Trung tướng trong quá trình ngăn chặn hiệu quả sự chặn đánh của quân địch?

Từ một con đường mòn, đường Trường Sơn, trong giai đoạn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ chức vụ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã trở thành tuyến giao thông chiến lược với cả hệ thống như “trận đồ bát quái” xuyên rừng rậm. Đó là những con đường ngang, dọc chằng chịt mà Mỹ không cách nào ngăn chặn được với 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài 20.000km phủ kín dãy Trường Sơn, cả sườn Đông và sườn Tây, xuyên 3 nước Đông Dương.
Sự chuyển mình của Binh đoàn Trường Sơn khiến Mỹ điên cuồng ném bom chặn phá. Địch đã ném hơn 8 triệu tấn bom trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng riêng Trường Sơn đã hứng chịu hơn 4 triệu tấn. Thế nhưng, bộ đội Trường Sơn cũng bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi. Trường Sơn lúc này không chỉ đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương.

Thiếu tướng Võ Sở
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn -  đường Hồ Chí Minh Việt Nam

- Trong 8 năm đảm nhận chức vụ Tư lệnh Bộ chỉ huy 559 (từ năm 1965 - 1975), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thể hiện vị thế của một người chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, quyết đoán, có những giải pháp để vượt khó khăn trên chiến trường ác liệt, gian khổ. Điều này thể hiện ngay từ khi ông đảm nhận chức vụ được giao. Trước việc địch đánh phá ác liệt, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chưa nhiều, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng các lái xe thực địa từng tuyến đường. Qua quá trình thực địa này, ông đã đánh giá về địch và ta, và tìm ra việc Quân đội ta cần thực hiện để chiến thắng quân đội Mỹ.

Sau khi nghiên cứu, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kết luận: Địch mạnh vì có nhiều máy bay, súng đạn, sử dụng không chỉ không quân, mà còn sử dụng bộ binh ở cấp sư đoàn, lữ đoàn. Tuy nhiên, trên chiến trường rộng lớn thì địch không thể đánh 24/24 giờ, cũng như trên suốt trên 20.000km hệ thống đường Trường Sơn.

Đưa ra điểm yếu này của quân địch, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định cần thực hiện theo phương pháp đánh địch mà đi, mở đường mà chiến đấu chứ không thụ động phòng tránh như trước đó. Đây là nhận định quan trọng để lựa chọn cách vận hành tuyến đường vận chuyển và cũng là chiến trường Trường Sơn sau thời điểm năm 1965. Sau nhận định này của Tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhiều con đường mới được mở trên tuyến đường Trường Sơn, địch đánh đường này, ta đi đường khác.

- Việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đi cùng lái xe của mình đến nhiều con đường trên tuyến Trường Sơn cho thấy điều gì, thưa ông?

- Theo chia sẻ của Trung tướng, việc đi thực địa một số tuyến đường là bởi người chỉ huy chiến trường cần hiểu khi mình ra lệnh thì cấp dưới thực hiện thế nào cho tốt mệnh lệnh đã đề ra. Muốn biết được cách làm tốt nhất thì không cách nào khác là phải sâu sát với thực tiễn. Với sự sâu sát của mình, dù không thường xuyên, nhưng một số lần Trung tướng đã ngồi cùng xe với lái xe vận chuyển hàng hóa, đi từ cung đường này sang cung đường khác, và qua đó đã nghiên cứu được cách tổ chức bộ đội xe. Ông cũng dự một số trận địa của công binh, qua đó nghiên cứu hoạt động của lực lượng này, khẳng định những việc cần triển khai trong mỗi tuyến đường trên hệ thống đường Trường Sơn.


Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471 (ảnh chụp năm 1971)

- Và thực tế, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những đề xuất quan trọng để đưa con đường vận tải chi viện cho miền Nam trở thành một chiến trường hào hùng, ghi dấu ấn về trí tuệ, lòng quả cảm và sức mạnh to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ?

- Ở đây cần thấy rõ là trước thời điểm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Bộ chỉ huy 559 (hay còn gọi là Bộ chỉ huy Binh đoàn Trường Sơn), đã có 10 tiểu đoàn xe, với số lượng xe không nhỏ. Nhưng nhìn chung lực lượng này còn hoạt động hạn chế, vì bị địch đánh phá ác liệt và chủ yếu tiến hành phòng tránh.

Qua quá trình đi thực địa các tuyến đường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nhận thấy, đã đến lúc phải hiệp đồng binh chủng, bảo vệ tuyến vận tải cơ giới, để vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường. Từ năm 1967, tuyến đường không chỉ mang ý nghĩa là một “đường dây vận tải chi viện” đơn thuần mà đã chuyển thành một chiến trường đúng nghĩa: Chiến trường đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Từ thế phòng ngự bị động, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chuyển sang chủ động dùng kế nghi binh, ngụy trang. Mỹ đánh bom trọng điểm, công binh sẽ san lấp chuyển thành hố nghi binh ngụy trang khéo léo, thỉnh thoảng cho xe chạy qua để địch tiếp tục đánh phá.

Một sáng tạo khác của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là thực hiện tổ chức lại lực lượng cho phù hợp với tùy tình hình. Cụ thể, Quân đội Nhân dân Việt Nam trước thời điểm năm 1967 chưa lúc nào có cấp sư đoàn công binh, mà ở Binh đoàn Trường Sơn có 4 sư đoàn công binh. Hay để chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu quy mô lớn, Trung tướng đã đề xuất và được chấp thuận tổ chức 2 sư đoàn xe. Hai Sư đoàn xe này được tổ chức với tư tưởng sẽ cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành cơ giới hóa bộ binh, thực hiện nhiệm vụ đánh những trận có tính chất quyết định và thần tốc (năm 1971, 1972 tổ chức và đến năm 1974 tổ chức hoàn thiện thành sư đoàn xe). 

Sớm quan tâm thực hiện công tác tri ân các liệt sĩ

- Còn trong chỉ huy chiến đấu trên các trận địa, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có dấu ấn đổi mới nào về phương thức thực hiện, thưa ông?

- Sáng tạo trong chỉ huy chiến đấu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thể hiện qua triển khai áp dụng trực tiếp chỉ huy, thay vì làm theo phương thức chỉ đạo, hướng dẫn được các lãnh đạo của Đoàn 559 (tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn) áp dụng trước đó. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã áp dụng 4 trực tiếp (giao nhiệm vụ; kiểm tra, đôn đốc; hướng dẫn khắc phục tồn tại; rút kinh nghiệm, đề xuất vấn đề mới cấn giải quyết). Đặc biệt, Trung tướng đã tổ chức Bộ chỉ huy Binh đoàn để thường xuyên chỉ đạo xuyên suốt cả tuyến, thậm chí xác định trong từng đêm một thì trên cung đường này đi bao nhiêu xe, pháo binh để bao nhiêu, địch đến đánh như thế nào, công binh khắc phục ra sao…

Những vấn đề này đều được chuyển từ hệ thống thông tin báo thẳng lên Bộ chỉ huy Tư lệnh, nên Tư lệnh Binh đoàn nắm sát hàng chục binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn.

- Ngay từ năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Việc làm của Trung tướng với chiến sĩ hy sinh anh dũng của tuyến đường Trường Sơn nói riêng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Không phải đến năm 1974, mà ngay sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề nghị với Đảng, Nhà nước tổ chức việc bốc mộ các chiến sĩ bộ đội, công binh, pháo binh… Sau đề nghị của ông, trong tháng 4.1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có quyết định về công tác này, mỗi sư đoàn, quân đoàn tổ chức một đội từ 15 - 20 người đến địa điểm chôn cất để quy tập hài cốt liệt sĩ.

Như vậy, trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lo lắng thực hiện công tác tri ân với các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp phần tạo ra con đường huyền thoại - buộc quân đội Mỹ phải công nhận thất bại của mình. Từ năm 1973 đã bốc được 10.267 thi hài, quy tập về huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Việc đề xuất xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn khẳng định rõ nét hơn về một vị danh tướng của tuyến đường Trường Sơn có tầm nhìn chiến lược, rất sáng tạo và quyết đoán. Ông cũng vận dụng có hiệu quả cao các đường lối, chiến lược của Đảng, Nhà nước trong quá trình chiến đấu và thực hiện công việc quản lý một số bộ, ngành sau này.

Sau công việc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn để lại trong tâm trí anh em đồng đội về một người Anh khiêm tốn, giản dị. Ông luôn đau đáu nghĩ về việc chung, nên dù sức khỏe yếu, vẫn thường xuyên theo dõi tình hình, đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước. 

 - Xin cảm ơn ông!

Phương Thủy thực hiện