HỘI ĐỒNG HIẾN PHÁP CH CHAD

Vị thế của Hội đồng Hiến pháp trong bộ máy chính quyền

- Thứ Sáu, 08/08/2014, 15:24 - Chia sẻ
Để hiểu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp trong Hiến pháp của CH Chad, trước tiên cần làm rõ về vị trí của thiết chế này trong bộ máy chính quyền của Chad, cụ thể là Hội đồng Hiến pháp là một thiết chế độc lập bên ngoài các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp hay là một phần của nhánh quyền lực tư pháp?
 

Hiến pháp CH Chad minh thị quy định nguyên tắc tam quyền phân lập giữa ba nhánh quyền lực hành pháp, tư pháp và lập pháp. Đồng thời cũng xác định rõ ràng các cơ quan thực thi các quyền này.  Điều 144 quy định tòa án là các cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp Chad cũng thiết lập thiết chế Hội đồng Tư pháp cấp cao chịu trách nhiệm quản trị và bổ nhiệm các thẩm phán của tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh đó Hiến pháp lại thiết lập ba thiết chế hiến định đặc biệt là Tòa án Công lý Cấp cao có thẩm quyền xét xử tội trạng của Tổng thống và các nhân viên chính quyền cao cấp khác; Hội đồng Hiến pháp có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp với thẩm quyền tài phán tính hợp hiến của các đạo luật và điều ước quốc tế; hành vi của chính quyền; xung đột thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước và cuối cùng là phân xử các tranh chấp về bầu cử Tổng thống. Thiết chế hiến định cuối cùng là Hội đồng Truyền thông Cấp cao. Câu hỏi đặt ra là các cơ quan này, đặc biệt là Hội đồng Hiến pháp có thuộc nhánh quyền lực tư pháp hay là một thiết chế hiến định độc lập với thẩm quyền riêng?

Một số học giả khi phân tích Hiến pháp của CH Chad có xếp Hội đồng Hiến pháp vào mục cơ quan tư pháp. Việc này có lẽ bắt nguồn từ sự suy luận rằng quyền lực nhà nước được minh thị phân tách thành ba quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp lại thực hiện quyền tài phán, đối tượng của thẩm quyền tài phán của Hội đồng rất đặc biệt. Hơn nữa, chương về Hội đồng Hiến pháp lại được xếp ngay sau chương về Tòa án. Do đó, các học giả đã xếp Hội đồng Hiến pháp vào mục phân tích về tòa án.

Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp CH Chad, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn là một thiết chế hiến định độc lập với cả ba nhánh quyền lực nhà nước thông thường là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong một quyết định được đưa ra vào năm 2001, Hội đồng đã lập luận rõ: “Hiến pháp 1996 thừa nhận rằng chỉ có Tòa án tối cao; Tòa Phúc thẩm và các 0tòa sơ thẩm quy định tại Điều 148 là có thẩm quyền xét xử; do đó, bất kỳ cơ quan tài phán nào mà không được đề cập đến trong quy định kể trên thì không phải là một phần của cơ quan tư pháp”.

Bằng chính quyết định của mình, Hội đồng Hiến pháp đã xác định rõ vị trí của nó là một thiết chế hiến định độc lập, bên ngoài ba nhánh quyền lực nhà nước thông thường là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhiệm vụ của Hội đồng này là bảo vệ Hiến pháp thông qua tài phán Hiến pháp. Thẩm quyền bảo hiến của Hội đồng bắt nguồn trực tiếp từ nhân dân.

Điều 162 Hiến pháp Chad quy định cụ thể về thẩm quyền và đối tượng tài phán của Hội đồng Hiến pháp. Theo đó, Hội đồng Hiến pháp có các thẩm quyền sau:

Thứ nhất, Hội đồng Hiến pháp tuyên bố về tính hợp hiến của các đạo luật của quốc gia và các điều ước quốc tế trước và sau khi được ban hành hay ký kết. Nếu Hội đồng Hiến pháp xác định một điều ước quốc tế là trái với một điều khoản nào đó của Hiến pháp Chad thì điều khoản đó cần phải được sửa đổi trước khi điều ước được ký kết, gia nhập hay thông qua. Đối với các đạo luật, khi có yêu cầu của Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội hay ít nhất một phần mười đại biểu Quốc hội, Hội đồng Hiến pháp sẽ ra phán quyết về tính hợp hiến của một dự án luật trước khi được ban hành.  Đối với một đạo luật đã được ban hành, Hội đồng Hiến pháp có 15 ngày để quyết định về tính hợp hiến của đạo luật đó. Thời gian này có thể được rút ngắn xuống còn 8 ngày theo yêu cầu của Chính phủ.  Về nguyên tắc, công dân không thể trực tiếp nêu vấn đề về tính hợp hiến của một đạo luật đối với Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp Chad đã thiết lập một cơ chế gián tiếp. Theo đó, trong một vụ kiện trước tòa án thường, các đương sự của vụ việc có thể khiếu nại tính vi hiến của một đạo luật đang được xem xét áp dụng. Trong trường hợp này, tòa án phải tạm thời hoãn xử lý vụ việc và chuyển vấn đề về tình hợp hiến của đạo luật ra cho Hội đồng Hiến pháp xem xét trong vòng 45 ngày.  Bất kỳ đạo luật nào đã bị tuyên bố là vi hiến thì đều không thể được ban hành hay thực thi.

Thứ hai, Hội đồng Hiến pháp bảo đảm tính hợp pháp của các cuộc trưng cầu ý dân và tuyên bố kết quả trưng cầu ý dân. Quan trọng hơn, Hội đồng Hiến pháp phân xử các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến bầu cử Tổng thống cũng như Quốc hội.

Cuối cùng, Hội đồng Hiến pháp phân xử tranh chấp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước cũng như bảo đảm cho sự hoạt động hợp pháp của các cơ quan công quyền.

Quyết định của Hội đồng Hiến pháp là quyết định chung thẩm và không thể bị kháng án. Nó có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan chính quyền cũng như các tòa quân sự, dân sự cũng như hành chính.

Có thể thấy Hội đồng Hiến pháp Chad có một thẩm quyền khá rộng. Không chỉ dừng lại ở việc phán xét về tính hợp hiến của các đạo luật của chính quyền mà còn phân xử khi có xung đột giữa các thiết chế quyền lực nhà nước. Hội đồng còn chịu trách nhiệm phân xử các tranh chấp về bầu cử và trưng cầu ý dân, những vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Trao thẩm quyền này cho Hội đồng Hiến pháp có thể phù hợp khi Hội đồng bao gồm các thành viên là các thẩm phán chuyên nghiệp, có năng lực và uy tín, cũng như Hội đồng là một thiết chế hoàn toàn độc lập khỏi các cơ quan khác. Tuy vậy, thực tế thì Hội đồng lại chịu ảnh hưởng mạnh bởi Tổng thống.

Nguyễn Thu