"Vì ta cần nhau"

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 07:55 - Chia sẻ
Là một trong số các quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 từ sớm, Việt Nam không bị gián đoạn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, diễn biến dòng vốn FDI vào nước ta trong nửa đầu năm nay, theo quan sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, có một điểm “lạ thường”. Đó là vốn FDI có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã được cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý II, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới chỉ đạt 2,94 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vốn đăng ký bổ sung đạt 2,62 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 139% so với quý I. Nguyên nhân có thể do các doanh nghiệp không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mà giữ lại tái đầu tư ở Việt Nam dưới dạng vốn bổ sung, có xu hướng cam kết hơn với các dự án đã được phát triển tại Việt Nam. Điều này càng củng cố niềm tin rằng các dự án FDI mới có thể quay trở lại Việt Nam sau khi thế giới kiểm soát được bệnh dịch, bất chấp thực tế là dòng vốn đăng ký sụt giảm mạnh trong quý II.

Với diễn biến như vậy, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng đây là lúc cần xem xét lại các yếu tố về ưu đãi thuế với các doanh nghiệp FDI, loại bỏ các ưu đãi dư thừa để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.

Khuyến nghị này đúng nhưng chưa đủ! Việc bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh còn cần phải được nhìn từ khía cạnh khác.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có cuộc làm việc với lãnh đạo Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại đây. Phản ánh với Chủ tịch Quốc hội, doanh nghiệp cho biết hiện nay nếu muốn đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp phải chờ đợi 240 - 260 ngày để cấp phép.  

Ở một số địa phương khác doanh nghiệp còn phải chờ đợi lâu hơn thế. Chưa kể thời gian xây dựng hạ tầng, nhà xưởng tiếp theo, chừng ấy thời gian có thể làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp. Câu chuyện này tất nhiên không mới. Các nhà đầu tư đã đề cập tới nhiều lần trong các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm có liên quan.

Ví dụ khác là chuyện xảy ra ở một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Một doanh nghiệp nước ngoài dự định đầu tư nhà xưởng may mặc ở tỉnh này. Quá trình chọn doanh nghiệp xây dựng nhà máy, lãnh đạo tỉnh “cứ muốn” doanh nghiệp nước ngoài phải chọn đơn vị chào giá cao nhất! Doanh nghiệp nước ngoài “không chịu” thì mọi thủ tục, giấy tờ bị kéo dài suốt hai năm trời. Rốt cuộc, họ quyết định bỏ cuộc, không xây nhà xưởng may ở địa phương này nữa.

Nước ta quả đúng là có những lợi thế nhất định để thu hút vốn FDI sau dịch Covid-19 nhưng cũng phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ trong khu vực. Mặt khác, không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài cần chúng ta, mà chính chúng ta cũng cần sự có mặt của họ như là một trong những mũi giáp công quan trọng để phục hồi kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho 2,4 triệu lao động đang thất nghiệp, thiếu việc làm.

"Vì ta cần nhau" như thế, nên nếu như những nút thắt về cơ sở hạ tầng (giao thông, điện) và nguồn nhân lực chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều thì Chính phủ hãy chú trọng những vấn đề có thể giải quyết “ngay và luôn” để Việt Nam thực sự trở thành “cục nam châm” hút dòng vốn FDI. Đó là giảm tối đa thủ tục hành chính đối với những dự án đầu tư vào nước ta. Đồng thời, sớm xây dựng bộ tiêu chí để “sàng” và  "lọc" được những dự án FDI “chất lượng” và “hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị; như vậy mới tránh tình trạng vì chưa có tiêu chí cụ thể, chưa có bộ lọc rõ ràng nên địa phương “chần chừ” trước những dự án lớn. Về phía lãnh đạo địa phương, hãy nghĩ xa hơn tới lợi ích của tỉnh mình và người dân thay vì chỉ “chăm chắm” lo cho “doanh nghiệp sân sau” của mình như câu chuyện nhắc tới ở trên.

Hà Lan