Bệnh viện đa khoa Đồng Văn

Vì sự hài lòng của người bệnh

- Chủ Nhật, 07/04/2019, 08:35 - Chia sẻ
“Hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là cụm từ quen thuộc đối với những người trong ngành y. Sự hài lòng đối với của bệnh nhân bao gồm rất nhiều yếu tố, chuyên môn, nghiệp vụ, cung cách làm việc, thái độ phục vụ… vốn đã chẳng đơn giản đối với cán bộ y tế ở bệnh viện trung ương và càng khó khăn hơn với bệnh viện vùng cao. Đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn, Hà Giang, lắng nghe những tâm tư, chứng kiến những vất vả của họ mới thấy được cụm từ thật trân quý.

Hết lòng vì bệnh nhân

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn, BS. Phạm Đình Phẩm cho biết, thông thường sản phụ thường chuẩn bị rất kỹ để chào đón sự ra đời của con như tã lót, bỉm sữa, đồ dùng cần thiết trong những ngày đầu mới sinh, nhưng sản phụ Đồng Văn đi sinh lại không tã lót, không quần áo cho bé, không bỉm sữa cho mẹ, không phích nước, không đồ dùng... Hành trang của họ chỉ đơn giản là bộ quần áo trên người và chiếc khăn quấn trên đầu. Vì lo lắng cho sức khỏe của mẹ và bé trong những ngày đầu sinh nở, từ nhiều năm nay, Bệnh viện Đồng Văn đã có sẵn chiếc tủ quần áo từ thiện để sản phụ và em bé sử dụng.

“Tủ quần áo được cán bộ y, bác sĩ của Bệnh viện ủng hộ và nhận từ các đoàn từ thiện. Quần áo đã được phân loại, gấp gọn gàng và để vào tủ, giúp sản phụ dễ dàng lựa chọn những bộ quần áo phù hợp để sử dụng cho bé và chính mình” - BS. Phạm Đình Phẩm cho hay.

Tuy phụ nữ đến sinh chỉ đi tay không nhưng theo Giám đốc bệnh viện, cán bộ y, bác sĩ rất vui mừng khi thấy có người đến đăng ký sinh tại bệnh viện. Bởi khi tới bệnh viện, những sản phụ và đứa trẻ sẽ được các bác sĩ chăm sóc tốt nhất. Ở Đồng Văn, có tới 17 dân tộc chung sống như Mông, Dao, Tày Nùng… Bên cạnh những phong tục cần được lưu giữ, cũng có những tập quán lạc hậu tồn tại từ lâu như đa số người dân tin vào thầy cúng, lấy bùa ngải để chữa bệnh chứ chưa tin hoàn toàn vào chữa bệnh, sinh nở tại bệnh viện.

Điển hình như trường hợp chị Triệu Thị Lý (xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn), sau khi được cán bộ y tế đỡ đẻ ở trạm y tế, chị Lý không tắm cho con kể từ khi sinh cho tới hết tháng đầu. Điều này khiến con trai chị bị mắc chứng viêm da ở trẻ sơ sinh. Gia đình chị không đưa con tới bệnh viện mà nhờ thấy mo cúng rồi đắp một thứ hỗn hợp lá rừng chứ không dùng thuốc, cho đến khi bệnh của bé có dấu hiệu ngày một nặng, chị mới đưa tới viện. Nhờ sự chăm sóc tận tình của cán bộ y tế, con trai chị Lý đã khỏi bệnh sau 5 ngày điều trị. “Thực sự tôi rất biết ơn các bác sĩ, nếu không được các anh tận tình giúp đỡ không biết bây giờ cháu sẽ ra sao. Bản thân tôi là người ít giao tiếp, tiếng Kinh nói cũng bập bẹ, may thay các cán bộ biết tiếng Mông”, chị Lý chia sẻ.

Hay một ca gẫy chỏm xương đùi phải vận động 3 lần bệnh nhân mới chịu mổ. “Họ cứ xin về để đắp thuốc. Lãnh đạo Bệnh viện, bác sĩ và người nhà phải kiên nhẫn thuyết phục bệnh nhân mới chịu mổ. Sau này, bệnh nhân gọi điện bày tỏ sự biết ơn các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa”. Đó là câu chuyện được chính Giám đốc Bệnh viện Phạm Đình Phẩm chia sẻ. Chính ông và Bác sĩ Hoàng Hoa Màn (Phó Giám đốc bệnh viện) đã hết lần này đến lần khác đến thuyết phục bệnh nhân mổ phẫu thuật dù được bảo hiểm chi trả toàn bộ.


Các bác sĩ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh

Tận tụy và kiên trì

Nhờ tinh thần kiên trì vượt khó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn nhận được nhiều phản ứng tích cực của bệnh nhân và gia đình người bệnh. “Năm 2018 có khoảng hơn 100 cuộc gọi, trong đó chủ yếu hỏi về thủ tục khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, thủ tục chuyển viện; cuộc gọi cảm ơn cán bộ y tế sau khi điều trị khỏi bệnh ra viện... Không có cuộc gọi nào phản ánh về thái độ phục vụ, hiện tượng tiêu cực của cán bộ y tế” - BS. Phạm Đình Phẩm cho biết.

Thêm vào đó, để cải thiện khả năng giao tiếp của các bác sĩ với bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã mở những lớp học tiếng Dao, Mông, Tày, Nùng do chính cán bộ y tế là người dân tộc đó đứng lớp. Đây là một điểm sáng tạo, cần được phát huy, nhân rộng ở nhiều tỉnh vùng cao. Mặt khác, để cải tiến chất lượng khám chữa bệnh, hàng năm, Bệnh viện đầu tư tu sửa, mua sắm trang thiết bị hiện đại, bổ sung dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của người bệnh nhằm hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm tải tuyến trên; tạo điều kiện tối đa cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tham gia các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao tay nghề.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn đã và đang làm tốt nhiệm vụ, nhờ thực hiện tốt công tác chuyên môn và áp dụng đồng bộ các giải pháp để thay đổi thái độ phục vụ. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tinh thần của những cán bộ y tế nơi đây luôn kiên định. “Cơ sở y tế không thể đổ lỗi cho dân trí, phong tục hay nói cách khác đổ lỗi cho người dân về việc không hoàn thành nhiệm vụ. Mọi khó khăn đều có cách khắc phục, quan trọng là có đầu tư thời gian và công sức hay không”, BS. Phạm Đình Phẩm nhấn mạnh.

Tùng Dương