Vì sao gần 90% phụ nữ Việt Nam "im lặng" khi bị bạo hành?

- Thứ Sáu, 04/03/2016, 15:47 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Nhận định tại Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm 2016 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 4.3, các ý kiến cho rằng, Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong 5 năm qua, tuy nhiên, vấn đề giới vẫn còn những vấn đề tồn tại, trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam vẫn còn thấp. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành có chiều hướng phức tạp hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới nhân ngày Quốc tế phụ nữ năm 2016 
Vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới

“Tôi muốn con gái mình lớn lên có thể lên tiếng về những mong muốn của bản thân, chứ không phải là im lặng, là chịu đựng, là hy sinh. Và hơn hết cô gái ấy lớn lên và hiểu rõ được mình hoàn toàn có thể đạt được những điều cô ấy mong muốn khi mọi rào cản, phân biệt đối xử liên quan đến giới được xóa bỏ” - Đại diện Mạng lưới Thanh niên trẻ vận động vì bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, bên cạnh những thành tựu, việc triển khai công tác bình đẳng giới vẫn còn những khó khăn, thách thức, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan. Một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và trẻ em gái còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu; một số chính sách còn cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo. Việc triển khai quy định vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều lúng túng…
 
Khẳng định bình đẳng giới là một vấn đề liên quan tới chính trị và chỉ có thể đạt được khi có những cam kết và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại. Trong đó, có sự thiếu công bằng trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của lao động nữ.
 
Ở góc độ chuyên gia Chương trình của UN Women tại Việt Nam, bà Vũ Phương Ly cho rằng, còn có nhiều bất bình đẳng giới ở Việt Nam, trong đó có bất bình đẳng giới ở vị trí lãnh đạo. Bất bình đẳng liên quan đến tỷ lệ nữ đại diện tại các cơ quan dân cử, tỷ lệ đại biểu trong HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 tăng so với nhiệm kỳ trước đó nhưng mức tăng rất thấp chỉ có 2%. Cấp tỉnh/thành phố là 25,17%; cấp cấp, huyện là 24,62%; cấp xã 21,71%; không có tỉnh, thành nào đạt tỷ lệ 30% nữ trong HĐND cấp xã. Vẫn còn khoảng cách giữa tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND đạt được so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 11 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27.4.2007 đề ra nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35% đến 40%.
 
Một tồn tại khác nữa cũng được bà Ly chỉ ra đó là bất bình đẳng giới liên quan đến tuổi nghỉ hưu ở khu vực công, theo đó, phụ nữ phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm. Đây là rào cản rất lớn đối với phụ nữ nhất là ở vị trí quản lý. Trong lĩnh vực lao động, sự thiếu bình đẳng cũng thể hiện khá rõ, năm 2014 tổng số lao động làm công ăn lương chiếm 35,6% tổng số lao động, trong đó 58% là nam và chỉ có 42% là nữ…


87% phụ nữ bị bạo hành chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền
 
Bà Ly cho biết, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Điều này được thể hiện qua các con số khi có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã bị bạo lực thể chất, tình dục hoặc tinh thần. Nhưng điều đáng chú ý là có tới 87% trong số họ lại chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ chính thức hoặc chính quyền. 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng nhưng chỉ có 1,9% trong số họ trả lời rằng họ sẽ trình báo công an.
 
Bà Ly cho rằng, thực tế tại Việt Nam đang tồn tại nhiều quan niệm hạn chế trong quá trình giải quyết các vấn đề lạm dụng tình dục. “Nếu tôi là người bị lạm dụng tình dục, tôi muốn đưa vụ việc ra trình báo với cơ quan chức năng, chưa chắc tôi đã được chồng, người thân, chưa kể gia đình chồng đồng tình ủng hộ, vì họ cho rằng, chịu đựng một tý đã làm sao”, bà Ly nêu ví dụ.
                                               
Từ quan niệm xưa cũ này đã làm cho người phụ nữ đẩy mình vào sự âm thầm chịu đựng nỗi đau của riêng mình - nỗi đau của việc bị lạm dụng tình dục mà họ quên rằng, hoặc không dám tìm đến một sự giúp đỡ khác đó là từ phía các cơ quan chức năng.
 
Để giúp xóa bỏ khoảng cách về giới, tạo sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ, bà Ly cũng đưa ra khuyến nghị, cần phải tăng cường đầu tư vào dịch vụ công và cơ sở hạ tầng công cộng, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho phụ nữ; tăng cường hệ thống giám sát, thu thập và xử lý số liệu tách biệt giới. Bên cạnh đó, cần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bằng việc tạo việc làm bền vững cho phụ nữ, giải quyết bất bình đẳng trong nghề nghiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến định kiến giới.  

Hà An